Một tàu chở dầu của UAE đi qua eo biển Hormuz để vào vùng biển Iran hôm 13/7 đã tắt thiết bị định vị và mất liên lạc nhiều ngày qua, khiến giới chức Mỹ nghi ngờ Iran đã bắt giữ con tàu này.
Truyền thông nhà nước của Iran hôm 17/7 dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói rằng nước này đã hỗ trợ một tàu chở dầu nước ngoài gặp sự cố, nhưng không giải thích gì thêm.
Trước đó, các tàu chở dầu đi qua khu vực này cũng từng bị nhắm đến khi căng thẳng tăng nhiệt giữa Mỹ và Iran.
"Đây là một cảnh báo đỏ”
Theo AP, tàu chở dầu Riah treo cờ Panama xuất phát từ UAE đã tắt định vị vào 23h ngày 13/7 khi đi qua eo biển Hormuz và tiến vào vùng biển của Iran. Một quan chức của UAE nói rằng con tàu không hề phát tín hiệu báo nguy nào.
Tàu chở dầu thuộc sở hữu của Nhật mang cờ Panama Kokuka Courageous, con tàu mà Hải quân Mỹ nói rằng đã bị phá hoại bằng mìn của Iran ở vịnh Oman, thả neo tại Fujairah, UAE, trong chuyến thăm tổ chức cho báo giới hôm 19/6. Ảnh: AP. |
Công ty dữ liệu Refinitiv hôm 16/7 cho biết tàu Riah chưa từng tắt định vị trong ba tháng thực hiện hành trình quanh UAE, đồng thời cho rằng “đây là một cảnh báo đỏ”.
Quan chức quốc phòng Mỹ nghi ngờ Iran bắt giữ tàu của UAE, và cho biết nó mất tích gần Qeshm, một đảo gần căn cứ của quân đội Iran.
Lo ngại về số phận của con tàu nổi lên trong bối cảnh Iran tiếp tục chiến dịch gia tăng sức ép từ chương trình hạt nhân của nước này sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân một năm trước.
Căng thẳng cũng gia tăng sau các vụ tấn công tàu dầu nước ngoài trên vịnh Oman hồi tháng 5 và tháng 6, cũng như vụ Iran bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ gần eo biển Hormuz hôm 20/6.
Ngày 4/7, Anh bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 của Iran khởi hành từ cảng Gibraltar, vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh nằm ở mũi phía nam bán đảo Iberia (bao gồm Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha).
Iran quyết đáp trả
Lãnh đạo tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei ngày 16/7 cáo buộc Anh “ăn cắp” và “cướp biển”, đồng thời khẳng định Iran “sẽ không để xảy ra hành động xấu xa như vậy mà không đáp trả”.
Theo Telegraph, Anh nghi ngờ tàu này vi phạm lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đưa dầu đến Syria.
Phía Iran lại cáo buộc Anh hành động thay mặt cho Mỹ. Các nhà phân tích cho rằng động thái đó có thể nhằm xoa dịu chính quyền Trump, trong khi các lãnh đạo châu Âu muốn cứu vãn thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ - Iran.
Lãnh đạo tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei ngày 16/7 cáo buộc Anh “ăn cắp” và “cướp biển”. Ảnh: AFP. |
Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt nói con tàu bị bắt giữ không phải vì nó chở dầu của Iran, và là vì lo ngại lệnh cấm vận Syria bị phá vỡ. Ông nói sẽ thả tàu nếu Iran bảo đảm rằng nó không đưa hàng đến Syria.
Anh đã tuyên bố sẽ điều tàu chiến thứ ba, HMS Kent và một tàu chở hàng, HMS Wave Knight, đến Vùng Vịnh nhưng nhấn mạnh đây là những kế hoạch có trước, không phải nhằm ứng phó các diễn biến gần đây.
“Phát ngôn (của Iran) không mạnh mẽ hơn so với những gì họ đã nói trước đó”, Sahil Shah, chuyên gia về Iran ở Mạng lưới Lãnh đạo châu Âu, nói với Telegraph.
“Các lời đe dọa nhằm lợi dụng nỗi lo ngại của EU về ổn định khu vực nếu thỏa thuận hạt nhân tan rã. Iran đang nỗ lực khiến EU vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ, như trong việc buôn bán dầu”, Amir Toumaj, chuyên gia phân tích Iran, nói với Telegraph.
Iran tuần trước tuyên bố mức làm giàu uranium đã vượt quá 3,67% mà thỏa thuận hạt nhân áp đặt, đồng thời đưa ra hạn cuối tháng 9 để châu Âu nơi lỏng các lệnh trừng phạt, thuyết phục Iran tiếp tục tuân theo thỏa thuận. Các chuyên gia coi đây là cơ hội cuối cùng để giảm căng thẳng Vùng Vịnh.