"Một tàu khu trục lớp Lữ Dương tiến đến gần tàu USS Decatur theo cách không an toàn và không chuyên nghiệp tại khu vực gần đá Gaven trên Biển Đông", chỉ huy Charles Brown, người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, nói với CNN qua một thông cáo xác nhận sự việc.
Ông Brown cho hay tàu Trung Quốc "đã thực hiện một loạt hành động với mức độ hung hăng gia tăng kèm theo cảnh báo yêu cầu tàu Decatur rời khỏi khu vực".
Ông nói thêm rằng khu trục hạm Trung Quốc chắn trước mũi tàu Mỹ "với khoảng cách chưa đến 41 mét", và khu trục hạm Decatur "đã đổi hướng để tránh va chạm".
Tàu khu trục USS Decatur của Hải quân Mỹ tuần tra trên Biển Đông hồi tháng 10/2016. Ảnh: Getty. |
"Lực lượng của chúng tôi sẽ tiếp tục bay, đi lại trên biển và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép", ông nói.
Đánh giá về mức độ nguy hiểm của sự việc, ông Carl Schuster, cựu chỉ huy Hải quân Mỹ, cho biết việc tiếp xúc ở cự ly gần khiến thuyền trưởng chỉ có vài giây để thực hiện đổi hướng.
"Tình huống này rất nguy hiểm. Thuyền trưởng sẽ dễ mất bình tĩnh khi các tàu cách nhau dưới 900 mét", ông Schuster, hiện là giáo sư Đại học Thái Bình Dương ở Hawaii, nói.
Sự việc diễn ra trong lúc căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc dâng cao vì một loạt vấn đề. Các tàu chiến Trung Quốc thường theo dõi tàu Mỹ trong các hoạt động tự do hàng hải nhưng những tương tác đó thường được xem là an toàn.
Theo Wall Street Journal, tàu khu trục Decatur hôm 30/9 thực hiện cuộc tuần tra kéo dài 10 tiếng trong khu vực 12 hải lý quanh đá Gaven và đá Côlin thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Việc này được Mỹ xem là hoạt động tự do hàng hải (FONOP), thách thức các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc.
Đá Gaven thuộc quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc chiếm đóng và bồi lấp thành đảo nhân tạo, ảnh chụp tháng 10/2014 Ảnh: Google Earth. |
Cách đây vài ngày, Trung Quốc cáo buộc Mỹ có hành động "khiêu khích" khi cử máy bay ném bom B-52 đến Biển Đông. Lầu Năm Góc khẳng định chuyến bay nằm trong chuỗi "hoạt động được lên kế hoạch định kỳ nhằm tăng cường khả năng phối hợp hành động với các đồng minh và đối tác của Mỹ tại khu vực".
Căng thẳng diễn ra sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ công bố lệnh trừng phạt đối với Cục Phát triển Thiết bị thuộc quân đội Trung Quốc vì cơ quan này mua chiến đấu cơ Sukhoi Su-35 và tên lửa phòng không S-400 từ Nga.
Đáp lại, Trung Quốc triệu hồi Phó đô đốc Hải quân Thẩm Kim Long trở về từ chuyến thăm cấp cao đến Mỹ, đồng thời hủy cuộc gặp giữa ông và Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ John Richardson. Bắc Kinh cũng không cho phép một tàu chiến của Mỹ đến thăm Hong Kong.
Trong một dấu hiệu cho thấy căng thẳng ngày càng gia tăng, cuối tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã hủy kế hoạch đến Bắc Kinh vào cuối tháng 10, theo lời các quan chức. Lầu Năm Góc chưa chính thức xác nhận việc này.