Trước khi quay trở lại căn cứ ở miền Nam Italy vào tháng 7/2018, tàu Caprera đã giúp chặn đứng hơn 80 thuyền buôn lậu người ngoài khơi bờ biển Libya và ngăn chặn hơn 7.000 người di cư tị nạn đến châu Âu.
Nhờ thành tích kể trên, đội ngũ trên tàu Caprera đã nhận được lời khen ngợi từ Bộ trưởng Nội vụ Italy thời điểm đó là ông Matteo Salvini. Vốn là người theo chủ nghĩa chống người nhập cư, ông Salvini ca ngợi tàu Caprera đã “bảo vệ nền an ninh quốc gia”.
Tuy nhiên, chính chiến hạm nói trên lại là con tàu vận chuyển hàng lậu vào châu Âu.
Tàu Caprera được Bộ trưởng Nội vụ Salvini khen ngợi vì hoàn thành tốt nhiệm vụ ngăn chặn nạn buôn người ở Tripoli. Ảnh: Hải quân Italy. |
Trong cuộc kiểm tra khi con tàu trở về Italy, lực lượng chức năng nước này phát hiện khoảng 700.000 điếu thuốc nhập lậu và một số hộp thuốc Cialis có công dụng điều trị rối loạn cương dương.
Toàn bộ số hàng nói trên được thu mua lúc tàu Caprera neo đậu ở Tripoli trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 7/2018, khi chiến hạm này đang thực thi nhiệm vụ ngăn chặn nạn buôn người giao phó bởi hải quân Italy.
“Tôi đã thấy nhiều vụ buôn lậu, nhưng 70 bao tải chứa đầy thuốc lá chất trên một tàu quân sự ư? Đây là lần đầu trong đời tôi chứng kiến một vụ việc như thế này”, trung tá Gabriele Gargano, người dẫn đầu đoàn khám xét, kể lại.
Vụ bê bối quy mô lớn
Vụ bê bối nói trên ảnh hưởng nghiêm trọng đến những tuyên bố và kế hoạch mà giới chức châu Âu hướng tới nhằm kiểm soát lượng người di cư và hàng hóa nhập khẩu vào lục địa này.
Vào thời điểm xảy ra vụ việc, các quốc gia châu Âu, đặc biệt là Italy, đang phong tỏa hệ thống hải cảng đối với người di cư, đồng thời giao nhiệm vụ giám sát vùng biển Địa Trung Hải cho hải quân Lybia.
Một phiên tòa được tiến hành ở Brindisi, Italy với 5 thủy thủ bị cáo buộc có liên quan đến các hoạt động buôn lậu. Tuy nhiên, quy mô cuộc điều tra đã được mở rộng ra ngoài phạm vi tàu Caprera.
Tờ New York Times dẫn nguồn tin điều tra cho biết có ít nhất hai chiến hạm khác của Italy nằm trong diện tình nghi có liên quan đến hoạt động buôn lậu, bao gồm tàu Capri và một tàu chiến khác bị khám xét hồi tháng 5. Cả hai chiến hạm nói trên đều tham gia cùng nhiệm vụ với tàu Caprera.
“Vụ việc có thể còn nghiêm trọng hơn nhiều, thậm chí liên quan đến nhiều tàu khác nữa”, ông Gargano, thành viên đoàn điều tra, cho biết.
Ít nhất 2 tàu chiến Italy khác được cho là có dính líu đến hoạt động buôn lậu. Ảnh: Twitter. |
Vào năm 2019, lực lượng điều tra của Liên Hợp Quốc xác định rằng phái bộ hải quân Italy đã vi phạm lệnh cấm vận vũ khí mà cơ quan liên chính phủ này đề ra khi tiến hành sửa chữa một tàu chiến của Lybia. Chưa hết, các tài liệu còn cho thấy Caprera ít nhất đã ba lần vi phạm lệnh cấm vận nói trên.
Cơ quan điều tra phát hiện thủy thủ Antonio Mosca thuộc biên chế Caprera đã gửi đi một tin nhắn sau khi con tàu bị bắt giữ với nội dung: “Giới chức cảng đang ở trên tàu. Chúng tôi đang dỡ những túi đó cùng với thuốc lá”.
Vào năm 2011, khi các cuộc nổi dậy trên khắp Trung Đông gây ra cuộc khủng hoảng di cư tràn vào châu Âu, nhiều người trong số này đến từ Lybia. Để ngăn chặn làn sóng này, vào năm 2017, chính phủ Italy đã ký một thỏa thuận được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn.
Cụ thể, Italy cam kết hỗ trợ hậu cần và tài chính để tái thiết Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Libya. Theo thỏa thuận, một số tàu chiến đã được điều đến Tripoli để điều phối các hoạt động chống người nhập cư trái phép, trong đó có Caprera.
Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Lybia nhận được hỗ trợ từ phía Italy. Ảnh: Getty. |
Ngay cả trước khi thủy thủ tàu Caprera bắt đầu buôn lậu, đội ngũ trên chiến hạm này đã vi phạm nhiều điều khoản trong lệnh cấm vận vũ khí mà Liên Hợp Quốc đề ra ít nhất ba lần, trong đó quy định không quốc gia nào được phép cung cấp vũ khí hay sửa chữa thiết bị quân sự cho các phe tham gia cuộc nội chiến Lybia.
“Chúng tôi đã sửa chữa vũ khí cho Lybia bất chấp lệnh cấm vận”, một kỹ sư trên tàu Caprera nói. “Nếu chuyện này lọt ra ngoài, mọi thứ sẽ trở thành một mớ hỗn độn”.
Cho đến nay, hải quân Italy vẫn từ chối bình luận về vụ việc.
Theo New York Times, hoạt động buôn lậu trên chiến hạm Caprera diễn ra từ đầu năm 2018, khi các thủy thủ thuộc bộ phận kỹ thuật của tàu lặng lẽ chuyển những bao tải chất đầy thuốc lá vào khu vực sửa chữa.
Hàng lậu nhập từ Lybia vào Italy có thể được bán với giá cao gấp nhiều lần giá gốc do áp thuế nhập khẩu.
Đầu mối quan trọng
Một trong những bằng chứng tối quan trọng giúp phanh phui hoạt động buôn lậu nói trên là bức ảnh mà kỹ sư trưởng Marco Corbisiero đăng tải trên WhatsApp vào tháng 5/2018.
Cụ thể, bức ảnh ghi lại quang cảnh buổi tiệc chia tay trên tàu Caprera với một chiếc bánh nướng lớn đặt trước mặt kỹ sư Corbisiero, và sau lưng ông là nhiều bao tải chứa thuốc lá lậu.
Bức ảnh tiệc chia tay trên tàu Caprera đăng tải vào tháng 5/2018 là đầu mối quan trọng giúp phanh phui hoạt động buôn lậu. Ảnh: WhatsApp. |
Nội dung tin nhắn văn bản và các cuộc điện thoại mà cảnh sát Italy khai thác được vào cuối năm đó cho thấy kỹ sư trưởng 44 tuổi là nhân vật chủ chốt trong kế hoạch buôn lậu trên tàu Caprera.
Ông Corbisiero là một trong năm thành viên thủy thủ đoàn bị xét xử ở Brindisi. Luật sư của ông là Fabrizio Lamanna cho biết thân chủ của mình bị coi là vật tế thần trong vụ án nói trên.
Hồ sơ ngân hàng cho thấy kể từ cuối năm 2017, ông Corbisiero đã nhận hàng chục nghìn USD từ nhiều tài khoản cá nhân khác nhau, bao gồm một số thủy thủ Italy. Các nhà điều tra cho rằng ông Corbisiero có thể đã kiếm được gần 120.000 USD từ việc buôn lậu thuốc lá.
Những hoạt động điều tra mở rộng đối với các chiến hạm cùng thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn nạn buôn người ở Tripoli vẫn đang được triển khai. Giới chức Italy hy vọng sẽ phanh phui được hệ thống buôn lậu tinh vi được che giấu trên chính những con tàu có sứ mạng ngăn chặn hoạt động buôn lậu.