Phát ngôn viên Hải quân Indonesia Agung Prasetiawan cho biết một tàu chiến nước này đã chặn tàu MV Mathu Bhum mang cờ Singapore hôm 4/5, khi nó đang di chuyển đến Malaysia, AFP đưa tin.
"Con tàu chở 34 container chứa dầu cọ RBD đã qua tinh chế, tẩy và khử mùi. Đây là loại nguyên liệu tạm thời bị cấm xuất khẩu", ông nói.
Indonesia, nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, đã cấm xuất khẩu mặt hàng này vào tuần trước để kiềm chế giá dầu cọ tăng vọt và tình trạng thiếu hụt hàng hóa trong nước.
Hải quân Indonesia ngày 7/5 bắt giữ một tàu chở dầu cọ đang rời khỏi đất nước do vi phạm lệnh cấm xuất khẩu. Ảnh: AFP. |
Giá dầu ăn tăng vọt có thể thúc đẩy giá của các mặt hàng khác tăng cao. Bất ổn xã hội trở thành nỗi lo ngại hàng đầu đối với chính quyền Tổng thống Indonesia Joko Widodo.
Indonesia sản xuất khoảng 60% lượng dầu cọ trên thế giới, được sử dụng trong nhiều loại sản phẩm như mỹ phẩm và chocolate. 1/3 sản lượng dầu cọ được tiêu thụ trong nước.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc, dầu thực vật là một trong những mặt hàng có giá tăng cao kỷ lục trong những tuần gần đây sau khi Nga phát động "chiến dịch quân sự" vào Ukraine.
Các nhà sản xuất ở Indonesia gần đây không muốn bán mặt hàng này trong nước vì xuất khẩu sẽ thu được nguồn lợi nhiều hơn do giá quốc tế đang tăng cao.
Tuy nhiên, các nhà chức trách Indonesia đã vào cuộc để cố gắng kiểm soát giá cả, sau khi người tiêu dùng ở một số thành phố buộc phải xếp hàng nhiều giờ tại các trung tâm phân phối để mua dầu ăn với mức giá được trợ cấp.
Lệnh cấm xuất khẩu của Indonesia đã đẩy giá dầu cọ, dầu đậu nành và dầu hạt cải lên mức cao trong lịch sử.
Indonesia có kế hoạch tiếp tục cấm xuất khẩu dầu cọ thô, dầu cọ RBD và dầu ăn đã qua sử dụng cho đến khi giá dầu ăn trong nước giảm xuống còn 0,97 USD, sau khi tăng vọt lên khoảng 1,79 USD trong những tuần gần đây.