Theo AP, tàu chiến KRI Imam Bonjol-383 của Indonesia nhận được tin từ máy bay do thám rằng 12 tàu nước ngoài đang đánh bắt trái phép ở vùng biển xung quanh quần đảo Natuna.
"Khi tàu chiến của chúng tôi đến gần, các tàu nước ngoài vội tìm cách bỏ trốn. Chúng tôi đã bám sát truy đuổi và bắn cảnh báo, nhưng các tàu cá vẫn không dừng lại. Mãi một lúc sau, một tàu mới chịu ngưng", ông Edi Sucipto, quan chức hải quân Indonesia nói.
Sau khi lực lượng Indonesia kiểm tra tàu, họ cho biết đây là tàu cá của Trung Quốc. Một phụ nữ và 6 người đàn ông ở trên tàu. Tất cả họ đều là công dân Trung Quốc.
Hải quân Indonesia đã nhiều lần bắt giữ các tàu cá Trung Quốc trái phép quanh quần đảo Natuna. Tàu chiến Indonesia đã bắt một tàu kéo lưới Trung Quốc vào ngày 22/4 vì hoạt động đánh bắt trái phép ở ngoài khơi tỉnh Bắc Sumatra. Trước đó, vào ngày 19/3, hải quân Indonesia bắt một tàu cá Trung Quốc và 8 thuỷ thủ khi nó hoạt động trái phép ở quần đảo Natuna.
Khi đó, Bắc Kinh tuyên bố phía Indonesia đã tấn công trước do tàu của họ chỉ hoạt động trong “ngư trường truyền thống” của Bắc Kinh. Một tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã ngăn cản hoạt động của tàu Indonesia và giải phóng các ngư dân bị bắt, dấy lên căng thẳng ngoại giao giữa 2 nước.
Vào tháng 5/2015, Indonesia đã đánh chìm tàu cá Gui Xei Yu 12661 của Trung Quốc và 40 tàu nước ngoài khác ở bờ biển Tây Kalimantan. Hiện tại, Indonesia đang tăng cường lực lượng bảo vệ quanh vùng biển ở Natuna gần với Biển Đông. Khoảng 800 binh sĩ Indonesia đang canh gác quanh Natuna, dự kiến tăng đến 2.000 người trong năm nay.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh từng tuyên bố, quần đảo Natuna thuộc chủ quyền Indonesia và Bắc Kinh tôn trọng điều này.