Chủ tịch HĐTV - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) Vũ Hồng Trường cho biết, tàu Cát Linh - Hà Đông bắt đầu đưa vào vận hành từ ngày 6/11/2023 và đến tháng 1/2024 là tròn 26 tháng, trong đó từ 6/11/2023 dự án hết 24 tháng (2 năm) bảo hành.
Từ tháng 11/2023 đến nay, các đoàn tàu đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã nằm dưới sự quản lý, vận hành an toàn của đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và thợ lái tàu là người Việt Nam, cụ thể là Công ty Hanoi Metro.
Sau 2 năm hoạt động tàu Cát Linh - Hà Đông đã có 3 kỷ lục về tăng trưởng khách. |
Đề cập đến kết quả vận hành, ông Trường cho biết, đến hết năm 2023 (sau 26 tháng vận hành) tàu Cát Linh - Hà Đông đã vận chuyển được gần 20 triệu lượt hành khách. Riêng trong tháng 9 năm 2023 tàu đã lập ba kỷ lục:
Kỷ lục thứ nhất, trong ngày mùng 2/9/2023 tàu đã vận chuyển được số lượng khách cao nhất từ trước đến nay tính theo ngày là 5,6 vạn;
Kỷ lục thứ hai, trong một ngày làm việc, không phải ngày nghỉ lễ (tức ngày 28/9/2023) tàu đã vận chuyển được 37 nghìn lượt hành khách;
Kỷ lục thứ ba trong tháng 9, tàu đã vận chuyển được con số trên 1 triệu lượt hành khách.
Thông tin về lưu lượng khách đi tàu hàng ngày, lãnh đạo Hanoi Metro đưa ra con số được thống kê, nếu như trước đây (khi tàu mới vận hành) vào các ngày cuối tuần tàu vận chuyển được trên dưới 30 nghìn hành khách, còn hiện tại con số này là từ 22 - 24 nghìn hành khách. Tuy nhiên, vào các ngày làm việc thì con số hành khách là từ 35 - 36 nghìn.
“Điều này chứng tỏ rằng, lượng khách đi trải nghiệm tàu đã giảm, thay vào đó khách là người đi học, đi làm… có nhu cầu đi tàu thực sự, thường xuyên đã được duy trì. Thực tế này cũng được Sở GTVT Hà Nội báo cáo, trên dọc hành lang tàu Cát Linh - Hà Đông hoạt động đã giảm được mấy điểm ùn tắc trên đường”, ông Trường thông tin.
Lãnh đạo Hanoi Metro cho biết, tàu Cát Linh - Hà Đông đã chứng minh bằng thực tiễn về tính ưu việt của phương thức vận tải nhanh, khối lớn, văn minh và hiện đại; giúp thay đổi thói quen đi lại và từng bước tạo dựng văn hóa giao thông theo hướng văn minh, hiện đại - tức là trước đây khi tiếp cận các ga để lên tàu, hành khách thường phản ứng, thậm chí là bức xúc vì không có chỗ để xe máy, xe đạp, nay thì nhiều hành khách chấp nhận bỏ xe cá nhân đi bộ với cự ly từ 1 đến 2 km để đến ga, lên tàu đi học, đi làm.
Kết quả thứ ba, sau hai năm tàu đi vào vận hành, Công ty Hanoi Metro nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung đã từng bước xây dựng được một đội ngũ những người quản lý vận hành đường sắt đô thị theo hướng chuyên nghiệp, sẵn sàng vận hành, tiếp nhận, quản lý những tuyến đường sắt đô thị với kỹ thuật, công nghệ hiện đại, khác nhau.