Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tất cả máy bay Việt Nam được niêm phong khi ở mặt đất

Hiện nay phải kiểm tra từng ghế, khe nhỏ, các ô trống của máy bay có thể đặt vật nghi vấn. Ngoài ra, máy bay phải được niêm phong trong thời gian ở mặt đất.

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh nói về trách nhiệm của Việt Nam trong vụ máy bay Malaysia mất tích và việc thắt chặt an ninh tại các cửa ngõ hàng không quốc tế Việt Nam sau sự việc này.

Tháo giày đưa qua máy soi

- Sau vụ máy bay MH370 của Malaysia mất tích, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã có công điện chỉ đạo đảm bảo an ninh, an toàn hàng không cấp độ 1. Những biện pháp áp dụng ở cấp độ này khác gì so với điều kiện bình thường?

- Thông thường, công tác an ninh hàng không luôn được được xếp lên hàng đầu, tất cả các nguồn lực đều tập trung cho nhiệm vụ đảm bảo an ninh. Khi có chỉ đạo tăng cường mức độ an ninh lên các cấp độ 1, 2 hoặc 3 thì công tác an ninh được tăng cường theo quy định của Thông tư 30 của Bộ GTVT.

Kiểm tra an ninh.

- Ngành Hàng không đã triển khai thực hiện việc này như thế nào, thưa ông?

- An ninh tại các cửa ngõ hàng không quốc tế của Việt Nam được thắt chặt hơn rất nhiều. Lực lượng an ninh tăng cường bổ sung thêm quân số.

Tại các sân bay, cửa vào khu vực làm thủ tục check-in và dưới chân cầu thang cuốn lên khu vực kiểm tra hành khách, soi chiếu hành lý xách tay đều có cán bộ an ninh túc trực quan sát.

Lực lượng an ninh hàng không phối hợp công an tuần tra khu vực phòng chờ 20 phút/lần. Nhân viên an ninh, bảo vệ thường xuyên tuần tra phát hiện hành lý vô chủ và các vấn đề bất thường.

Tại khu vực hạn chế, hành khách được kiểm tra bằng thiết bị máy dò kim loại cầm tay và trực quan bằng mắt thường 7%. Tại khu vực soi chiếu hành lý xách tay, an ninh hàng không kiểm tra ngẫu nhiên 10% với hành khách qua cổng từ mà không phát hiện tín hiệu báo động; 10% với hành lý xách tay, ký gửi không có dấu hiệu nghi vấn. Hàng hóa, bưu phẩm bưu kiện đã qua soi chiếu cũng bị kiểm tra ngẫu nhiên 10%.

Không chỉ phải cởi áo khoác, thắt lưng như trước đây, 100% hành khách còn phải tháo giày đưa qua máy soi. Các vị trí trọng yếu như soi chiếu, cửa lên máy bay, bộ phận nạp xả nhiên liệu… đều được tăng nhân viên an ninh giám sát.

Trung tâm an ninh hàng không cũng tăng cường trao đổi thông tin với công an các địa phương để kịp thời phát hiện các tình huống bất thường. Đồng thời, Trung tâm cũng thống nhất với các hãng hàng không là sẽ mời phỏng vấn để kiểm tra những hành khách đã làm thủ tục nhưng hủy chuyến bay. Ngoài ra, an ninh hàng không kiểm tra ngẫu nhiên 2% suất ăn, hàng hóa phục vụ trên máy bay - công đoạn này trước đây do đơn vị cung ứng chịu trách nhiệm.

- Việc áp dụng an ninh tăng cường ở cấp độ 1 với các mảng điều hành khai thác bay, lĩnh vực kỹ thuật được các hãng hàng không thực hiện thế nào?

- Không chỉ tại các cảng hàng không, các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific cũng đã áp dụng biện pháp an ninh cấp độ 1 với tất cả các mảng điều hành khai thác bay, lĩnh vực kỹ thuật…

Theo đó, tổ bay gồm phi công và tiếp viên sẽ phải kiểm tra an ninh, an toàn trước chuyến bay kỹ hơn. Trước đây, với cấp độ bình thường, tiếp viên chỉ kiểm tra các thiết bị an toàn an ninh trước chuyến bay. Tuy nhiên, hiện nay phải kiểm tra từng ghế, khe nhỏ, các ô trống có thể đặt vật nghi vấn. Ngoài ra, máy bay phải được niêm phong trong thời gian ở mặt đất.

Ông Lại Xuân Thanh.

 

Triển khai tìm kiếm sớm nhất khu vực

- Sau khi xảy ra vụ máy bay hãng Hàng không Malaysia mất tích, Việt Nam đã triển khai lực lượng tìm kiếm thế nào, thưa ông?

- Trong vụ máy bay Malaysia mất tích ngay trước thời điểm nước ta nhận chuyển giao điều hành bay chuyến bay này, từ chiều 8/3, Việt Nam đã triển khai lực lượng tìm kiếm cứu nạn với số lượng có thể nói là lớn nhất từ trước đến nay trong công tác tìm kiếm cứu nạn.

Lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn gồm cả Không quân, Hải quân, Cảnh sát biển, Tổng công ty Bay trực thăng (Bộ Quốc phòng), toàn bộ hệ thống tìm kiếm cứu nạn hàng hải và huy động cả ngư dân đang hoạt động trên các vùng biển tham gia dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn.

Riêng các lực lượng chuyên trách về thực hiện tìm kiếm cứu nạn bằng đường hàng không đã thực hiện bay trên diện tích 196.000km2 gồm các đội tàu bay AN26, DHC6, Mi171, Casa, trực thăng và thực hiện các bài bay chuyên nghiệp, không bỏ sót nghi vấn nào trong khu vực đã bay. Diện tích tìm kiếm mà các loại tàu biển thực hiện còn rộng hơn. Với sự tham gia hàng ngày của 7 tàu bay, hơn 10 tàu biển chuyên trách tìm kiếm cứu nạn.

- Chi phí của Việt Nam trong cuộc tìm kiếm này thế nào, thưa ông?

- Hiện vẫn chưa tổng kết về tiêu hao xăng dầu, chi phí nhưng việc Việt Nam tham gia tìm kiếm khó có thể đong đếm hết. Khi bắt tay vào tìm kiếm, chúng ta không bận tâm nhiều đến chi phí mà chỉ tập trung vào nhiệm vụ quan trọng nhất là tìm máy bay mất tích.

- Một số ý kiến trên mạng xã hội cho rằng, Việt Nam nhiệt tình quá mức trong tìm kiếm máy bay Malaysia Airlines mất tích. Ông bình luận thế nào?

 - Nếu ai đó nói vậy thì phải đặt ra thế nào là quá mức, thế nào là vừa phải? Tôi cho rằng, chúng ta đã triển khai lực lượng tìm kiếm sớm nhất trong khu vực vì nắm vững đường bay dự kiến vào Việt Nam mặc dù chưa vào vùng thông báo bay (FIR) Việt Nam. Nhưng chúng tôi xác định trách nhiệm vì con người, vì cộng đồng nên triển khai theo nhiệm vụ mà chúng tôi được giao.


 

http://giaothongvantai.com.vn/giao-thong-phat-trien/van-tai/201403/that-chat-an-ninh-hang-khong-niem-phong-may-bay-hanh-khach-phai-kiem-tra-giay-462770/

Theo Giao Thông Vận Tải

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm