Sáng 5/9, mạng xã hội lan truyền hình ảnh xế sang Mercedes bị tạt chất bẩn ở khu vực đường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Hình ảnh cho thấy xế hộp bị 2 phụ nữ tạt chất bột màu trắng, dán băng dính quanh xe kèm tờ giấy ghi chữ: "Đỗ vô ý thức".
Theo bài đăng, chiếc xe Mercedes đỗ ở phần đường trước cửa hàng của 2 người phụ nữ. Chất bột tạt lên xe được xác định là sắn dây.
Với hành vi này, 2 người phụ nữ có thể bị xử lý ra sao?
Chiếc xe sang bị dán băng dính, tạt bột sắn dây. Ảnh: T.B. |
Phân tích sự việc, luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp trị) cho biết theo quy định pháp luật, người có nhà ở mặt đường chỉ có quyền sở hữu, sử dụng, quản lý bất động sản theo ranh giới ghi tại các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu sử dụng.
Phần vỉa hè, lòng đường trước cửa nhà là tài sản công cộng, do Nhà nước quản lý. Đối với phần diện tích này, mọi người đều bình đẳng trong việc khai thác, sử dụng. Người dân có bất động sản cạnh đường giao thông chỉ có quyền sử dụng phần vỉa hè, lòng đường trước cửa nhà mình như các cá nhân khác trong xã hội.
Ông Lực cho biết hiện không có quy định nào trao cho chủ nhà có quyền ưu tiên khai thác sử dụng vỉa hè, lòng đường trước cửa nhà mình hơn các chủ thể khác. Họ cũng không có quyền ngăn người khác khai thác, sử dụng phần tài sản công này và càng không có quyền chiếm lấy làm tài sản sử dụng riêng.
Bởi vậy, việc 2 người phụ nữ dán băng dính, tạt bột sắn dây lên phương tiện dừng đỗ trước cửa nhà là hành vi vi phạm pháp luật, có dấu hiệu hình sự của tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo đó, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng, nhưng thuộc một trong các tình tiết định khung tại khoản 1, Điều 178 Bộ luật này thì sẽ bị phạt tiền 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Trường hợp giá trị tài sản hư hỏng dưới 2 triệu đồng, chế tài hành chính áp dụng sẽ là phạt tiền 3-5 triệu đồng, căn cứ quy định tại Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Tuy nhiên, ngoài góc độ pháp lý, luật sư Lực cũng phân tích thêm về thực tế sử dụng vỉa hè, lòng đường hiện nay. Theo đó, pháp luật không cho phép nhưng trên thực tiễn sử dụng, việc chủ nhà sử dụng vỉa hè và lòng đường trước cửa nhà đã được xã hội thừa nhận. Đây gọi là tập quán.
Điều 5 Bộ luật Dân sự 2015 quy định tập quán là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng trong quan hệ dân sự, được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong thời gian dài, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư.
Vỉa hè, lòng đường trước cửa nhà người có đất cần ưu tiên cho chủ nhà khai thác sử dụng và theo khoản 2, Điều 5, Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán nhưng tập quán áp dụng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự.
"Trong xã hội văn minh, mọi ứng xử của người dân trong các quan hệ dân sự dựa trên các quy định pháp luật, trường hợp pháp luật chưa điều chỉnh thì áp dụng tập quán, áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là lẽ công bằng. Mong rằng chủ nhà, người dân nắm bắt được các nội dung trên để từ đó có hiểu biết và đưa ra các ứng xử hài hòa, phù hợp đảm bảo quyền lợi cá nhân, an ninh trật tự xã hội", luật sư Lực chia sẻ.