Hải Quốc từ chương do PGS.TS Trần Trọng Dương khảo chú là cuốn sách giới thiệu những di sản văn chương viết về biển đảo Việt Nam trong suốt nghìn năm lịch sử.
Cuốn sách gồm gần 350 tác phẩm văn học Hán Nôm thời trung - cận đại và gần 100 tác phẩm văn học dân gian viết về lịch sử, phong tục, tập quán, sản vật địa phương, hải sản và những suy tư, tâm tình, những lời ăn tiếng nói mang hơi thở của biển cả.
PGS.TS Trần Trọng Dương có những chia sẻ về quá trình thực hiện cũng như nội dung cốt lõi của cuốn sách này.
Sách Hải Quốc từ chương. Ảnh: thebooklag. |
Cuộc khảo sát văn chương về biển đảo
- Sách “Hải quốc từ chương” vốn là một đề tài do ông làm chủ nhiệm năm 2016, Viện Nghiên cứu Hán Nôm chủ trì. Đâu là động lực để ông phát triển, bổ sung, hoàn thiện nó thành một tập đại thành văn chương Việt Nam viết về biển đảo trong lịch sử?
- Trước nay, không ít người cho rằng Việt Nam không có văn học biển đảo, mà chủ yếu tập trung về văn học khoa cử, không liên quan đến thực tiễn và không có giá trị về lịch sử. Điều này là hoàn toàn không đúng so với những gì mà các nhà nghiên cứu văn học cổ trung đại từng biết và viết đến.
Sự thiếu vắng của văn học biển đảo từ thời Lý đến thời Nguyễn trong nhiều công trình học thuật là do chúng ta chưa có một cuộc khảo sát tổng thể về di sản văn chương của cha ông viết về mảng đề tài này.
Với cá nhân tôi, văn học biển đảo là một loại hình di sản văn hóa đánh dấu những thăng trầm lịch sử, đánh dấu những cột mốc lớn về chính trị và văn hóa. Và khối lượng tác phẩm có thể lên đến cả nghìn trang còn đang lưu trữ tản mát trong các kho cổ tịch. Chính vì thế, tôi đã quyết tâm thực hiện đề tài này.
Do số lượng tác phẩm khá lớn và trải dài trong gần nghìn năm, nên tôi đành phải tự dành dụm thời gian làm trong khoảng 6 năm, để có được sản phẩm tổng tập về văn học biển đảo mang tên Hải quốc từ chương.
- So với các ấn phẩm văn chương Việt Nam về biển đảo đã xuất bản, sách “Hải quốc từ chương” có gì khác biệt?
- Hải Quốc từ chương là một bộ sách sưu tập các tư liệu văn hiến trong suốt nghìn năm từ thời Lý đến thời Nguyễn. Cuốn sách tuyển chọn hàng trăm tác phẩm, gồm những áng thơ văn viết về hàng trăm hàng nghìn địa danh duyên hải từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Nam… đến Kiên Giang. Đóng góp của Hải Quốc từ chương thể hiện ở các điểm sau:
Thứ nhất, đây là bộ tuyển tập văn học cổ trung đại đầy đủ nhất đã được xuất bản cho tới năm 2022. Ta biết trước đó từng có hai cuốn Biển đảo tổ quốc tôi - Hợp tuyển thơ văn viết về biển đảo Việt Nam (2016, 1.116 trang) và Biển gọi - một ngàn năm thơ biển Việt Nam (2015, dày 1.300 trang). Nhưng cả hai bộ sách đồ sộ này có phần lớn tác phẩm được sáng tác trong thế kỷ XX-XXI, còn văn học trung đại của cha ông viết về biển đảo lại chiếm một dung lượng hạn chế.
Thứ hai, Hải quốc từ chương kế thừa tất cả thành tựu của các nhà nghiên cứu, các dịch giả trước đây (có ghi nguồn) để đưa ra một diện mạo tổng quát và liên tục về một nền văn học biển đảo, đồng thời bổ sung một số dịch phẩm mới chưa từng biết đến.
Thứ ba, sách có hàng trăm chú thích về địa danh cổ duyên hải được thực hiện bằng cách khảo sát các nguồn sử liệu và chồng lớp bản đồ. Nhiều tác phẩm trước đây không được coi là văn học biển đảo đã được sưu tầm và giới thiệu. Kết quả này đã được thể hiện trong chính văn và được trình bày trong Bảng tra cứu ở cuối sách.
Thứ tư, phần lớn tác phẩm đều được trình bày bằng cả nguyên văn chữ Hán chữ Nôm, được hiệu khảo, đính chính, và được dịch nghĩa, dịch thơ. Tính khảo cứu là đóng góp lớn nhất của cuốn sách này.
PGS.TS Trần Trọng Dương cùng ấn phẩm Hải Quốc từ chương. Ảnh: NVCC. |
Vai trò của văn học biển đảo
- Thử thách nhất với ông khi thực hiện cuốn sách này là gì?
- Công việc khó khăn nhất của tôi trong cuốn sách này là chú thích về địa danh cổ. Công việc này đòi hỏi người thực hiện phải trang bị các tri thức về địa lý học lịch sử, với hàng trăm hàng nghìn địa danh duyên hải (tên các cửa biển, các vùng cửa biển, các hòn, các đảo, các vũng - vịnh - đầm - phá, các bến đò, cảng khẩu, các cồn bãi, các làng xã, thôn ấp, chùa chiền, thắng tích, pháo đài, chợ búa… ven biển) với những tiêu chí cụ thể về văn bản, lịch sử, địa lý (như trình bày ở trong bài Khái lược về văn học biển đảo Việt Nam).
Làm sao có thể biết hết được tất cả tên đảo các cửa biển đã thay đổi như thế nào từ xưa cho đến nay, làm sao có thể xác định các địa danh ấy trên bản đồ hiện đại, làm sao có thể điền dã từng vị trí? Làm sao có thể chú thích về những nơi mà mình chưa từng đến. Công việc đó là của tập thể chứ không phải của một cá nhân.
Vì thế, ngoài việc đi điền dã một số địa phương, tôi đã sử dụng hệ thống bản đồ Hán Nôm, bản đồ của các thời kỳ, chồng lên bản đồ địa lý hành chính hiện tại, đối chiếu với nhiều nguồn sử liệu khác.
Ví dụ: vũng Đồng Long nổi tiếng trong thơ vua Lê Thánh Tông trước nay thường được chú thích là ở Nghệ Tĩnh hoặc Thừa Thiên - Huế (do nhầm với Ô Long), nay đã được xác định là vịnh Đà Nẵng. Dĩ nhiên, cuốn sách này sẽ không tránh khỏi những sai sót, rất mong được độc giả góp ý để tiếp tục hoàn thiện khi tái bản.
- Tiêu chí tuyển chọn các tác phẩm trong sách này như thế nào? Tại sao cuốn sách chỉ tuyển chọn các tác phẩm của người Việt?
- Hải quốc từ chương đặt ra nhiều tiêu chí để chọn lựa, quan trọng nhất là tính biển (tức nội dung phải liên quan đến biển đảo, hoặc đề cập đến đời sống văn hóa, các sự kiện lịch sử trên vùng duyên hải).
Tiếp đến, tiêu chí chủ thể sáng tác là người Việt, tiêu chí này liên quan đến góc nhìn của tác giả, cái nhìn bên trong để cho chúng ta - người ngày nay, hiểu được người xưa đã sinh sống, quan niệm như thế nào với môi trường biển đảo, đã có những phương thức ứng xử như thế nào với biển đảo, quan trọng nhất là hiểu được người xưa ý thức như thế nào về việc khai thác và chủ quyền biển đảo.
Ví dụ, từ “hải quốc” trong tên sách là xuất phát từ một số tác phẩm của thơ của Nguyễn Trung Ngạn, Trần Quan, ngoài ý nghĩa thi ca, còn là một nguồn sử liệu về ý thức hướng biển của người Việt.
Các sáng tác văn học biển đã có những dấu vết đáng kể với những tác phẩm thi ca của hàng loạt tác giả nổi tiếng, mà phần lớn của các hoàng đế, nhà Nho, nhà văn hóa như Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Minh Tông, Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi…
Hàng chục tác phẩm viết về biển, các hải cảng, các danh lam thắng tích cửa biển đã tạo nên sự phong phú về nội dung và nghệ thuật. Không khí chung của các tác phẩm này là ca ngợi vẻ đẹp non sông, các chiến tích lẫy lừng của thủy trận trong chiến tranh chống giặc ngoại xâm, sự chiêm nghiệm về lẽ hưng vong, hay sự xót thương phận người trong những thiên tai lũ lụt... Không thể nghi ngờ rằng, văn học biển đảo chiếm một vị trí quan trọng trong lịch sử văn học Việt Nam.
- Thông qua cuốn sách, ông muốn gửi thông điệp gì?
- Thông điệp cơ bản của tôi khi xuất bản cuốn sách này là muốn mọi người hiểu rõ về giá trị của tư liệu gốc. Lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử văn học biển đảo nói riêng là nền tảng của quá khứ để kiến tạo nên hiện tại.
Để có đường bờ biển dài như nước ta hiện nay, lịch sử đã trải qua nhiều năm với nỗ lực của nhiều thế hệ. Và muốn giữ được biển đảo, muốn khai thác tốt những giá trị của văn hóa lịch sử, con người luôn phải xuất phát từ quá khứ, trân trọng quá khứ.
Hải quốc từ chương không đơn thuần là một tập văn liệu, mà thực chất còn là một nguồn sử liệu để chúng ta có thể nghiên cứu và phát huy tinh thần hướng biển của cha ông trong suốt nghìn năm. Như Nguyễn Bỉnh Khiêm đã viết: “Biển Đông vạn dặm dang tay giữ / Nước Việt muôn năm vững trị bình” (Nguyễn Khắc Mai dịch thơ).