Cụ thể, đến năm 2025, Unilever - tập đoàn sở hữu nhiều thương hiệu lớn như Omo, Lifebuoy, Dove, Lipton… - cam kết sẽ giảm một nửa lượng nhựa nguyên sinh bằng cách cắt giảm lượng bao bì nhựa sử dụng xuống hơn 100.000 tấn và tăng cường sử dụng nhựa tái chế. Một mục tiêu nữa là thu hồi và xử lý bao bì nhựa nhiều hơn số lượng công ty bán ra.
Hơn 100.000 tấn nhựa sẽ được cắt giảm khi công ty đầu tư nghiên cứu và phát triển các loại bao bì sử dụng được nhiều lần (tái sử dụng hoặc nạp đầy lại), thông qua giải pháp “không dùng nhựa” (sử dụng vật liệu thay thế hoặc không dùng bao bì đóng gói) và giảm lượng nhựa trong bao bì (sản phẩm cô đặc hơn).
Phần còn lại của cam kết này được thực hiện bằng cách thay thế dần nhựa nguyên sinh bằng nhựa tái chế trong sản xuất bao bì. Unilever sẽ đo lường tổng số tấn bao bì nhựa nguyên sinh được sử dụng để đóng gói mỗi năm, so sánh với tổng số tấn bao bì nhựa nguyên sinh được sử dụng trong năm 2018. Tập đoàn cam kết duy trì số lượng bao bì nhựa nguyên sinh không quá 350.000 tấn cho đến năm 2025.
Unilever cam kết giảm lượng rác thải nhựa hàng năm. |
Bên cạnh đó, Unilever cam kết sẽ hỗ trợ thu hồi và xử lý khoảng 600.000 tấn nhựa mỗi năm tính đến năm 2025. Hiện tại, tập đoàn sử dụng 700.000 tấn bao bì nhựa và cam kết cắt giảm 100.000 tấn đến năm 2025, đồng nghĩa với việc sẽ thu hồi và xử lý hoàn toàn số bao bì nhựa bán ra.
Để thực hiện cam kết này, Unilever sẽ đầu tư và hợp tác để cải thiện hạ tầng quản lý chất thải; thu mua và sử dụng nhựa tái chế cho bao bì đóng gói; tham gia các chương trình trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất để trực tiếp hỗ trợ tài chính cho việc thu thập lại bao bì của mình.
Ông Alan Jope, Giám đốc Điều hành Unilever toàn cầu, chia sẻ: “Chúng tôi bắt đầu bằng việc thay đổi thiết kế bao bì, giảm lượng nhựa sử dụng, sau đó tăng thành phần vật liệu tái chế trong bao bì nhựa. Chúng tôi cũng cam kết rằng tất cả bao bì của Unilever đều có thể tái sử dụng, tái chế hoặc có thể phân hủy được".
Ông Jope cho biết thêm, để thực hiện những kế hoạch này, tập đoàn sẽ phải nghiên cứu để thay đổi phương thức sản xuất bao bì và sản phẩm. Điều này sẽ thúc đẩy Unilever giới thiệu những bao bì mới, cải tiến hơn, và mô hình kinh doanh mới, ví dụ như bao bì có thể tái sử dụng, và mô hình nạp đầy lại sản phẩm.
Bà Ellen MacArthur, nhà sáng lập Quỹ Ellen MacArthur, cho biết cam kết mới của Unilever là một bước quan trọng trong việc thiết lập "nền kinh tế tuần hoàn" cho bao bì nhựa. Bằng việc áp dụng các công nghệ tiên tiến để xóa bỏ lượng bao bì nhựa không cần thiết, Unilever đã chứng minh được những cách thức để một doanh nghiệp "nói không" với nhựa nguyên sinh.
“Chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp khác chung tay với Unilever để có thể loại bỏ nhựa không cần thiết. Chúng ta có thể sáng tạo hơn để những gì mình sử dụng sẽ được luân chuyển tuần hoàn; và cuối cùng là xây dựng một hệ thống kinh tế nơi bao bì nhựa sẽ không bao giờ trở thành rác thải” - bà chia sẻ.
Từ năm 2017, Tập đoàn Unilever đã thay đổi phương thức sản xuất bao bì nhựa với chiến lược “Less - Better - No plastic”, nghĩa là "Dùng ít nhựa hơn - Dùng nhựa tốt hơn - Không dùng nhựa".
Với "Less plastic" (Dùng ít nhựa hơn), Unilever đã nghiên cứu nhiều cách thức đóng gói và vận chuyển sản phẩm; thiết lập trạm nạp dầu gội và nước giặt tẩy tại các cửa hàng, trường đại học và máy bán hàng tự động khắp Đông Nam Á.
Các trạm nạp của Unilever là một phần nỗ lực dùng ít nhựa hơn. |
Trong chương trình "Better plastic" (Dùng nhựa tốt hơn), Unilever đã thêm chất mới trong bao bì của Axe và TRESemmé để giúp nhựa màu đen có thể tái chế được. Chất liệu mới này có thể được nhìn thấy và sàng lọc bằng máy quét của nhà máy tái chế. Tại châu Âu, nhãn hàng Lipton đã thí điểm mô hình thu lại chai nhựa đã qua sử dụng để sản xuất “chai lễ hội” từ 100% nhựa tái chế.
Là một phần của kế hoạch "No plastic" (Không dùng nhựa), Unilever đã đem đến cho thị trường những sáng kiến mới trong việc kiểm soát chất thải nhựa, như bánh xà phòng gội đầu, viên kem đánh răng, que khử mùi các-tông và bàn chải tre… Tập đoàn cũng tham gia vào chuỗi cung ứng Loop, góp phần tìm kiếm những phương thức mới trong hoạt động bán hàng, giao hàng và thu hồi bao bì từ các hộ gia đình để tái sử dụng.
Hơn 5 năm qua, Unilever đã hợp tác với nhiều đơn vị để thu hồi bao bì nhựa, trong đó có Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, để giúp phân loại chất thải nhựa, thu hồi và tái chế bao bì ở Ấn Độ. Ngoài ra, tập đoàn cũng đã đóng góp cho việc thành lập gần 3.000 “ngân hàng chất thải” ở Indonesia, giúp tái chế chất thải nhựa cho hơn 400.000 người tham gia chương trình. Tại Brazil, Unilever đã thiết lập mối quan hệ hợp tác lâu dài với Grupo Pão de Açúcar để giúp thu gom rác thải tại các trạm.
Bình luận