Ông Marco della Seta, Đại sứ Italy tại Việt Nam (ngoài cùng bên trái) cùng các lãnh đạo của SACE tại buổi trao đổi với báo chí mới đây. Ảnh: SACE. |
Tập đoàn Bảo hiểm và Tài chính tín dụng SACE (thuộc Bộ Kinh tế và Tài chính Italy) mới đây đã công bố việc triển khai các dự án mới tại Việt Nam với tổng giá trị 1,3 tỷ USD trong giai đoạn 2024-2025 nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư song phương giữa Italy và Việt Nam.
Các lĩnh vực trọng tâm của gói hỗ trợ 1,3 tỷ USD này là kinh doanh nông nghiệp, logistics, năng lượng, chăm sóc sức khỏe, trang sức, chế biến thực phẩm...
Trong đó, một phần cơ bản không thể thiếu trong thỏa thuận này là các doanh nghiệp Việt Nam cam kết xem xét nguồn cung sản xuất tại Italy phù hợp kế hoạch đầu tư.
Hiện tại, bà Michal Ron - Giám đốc kinh doanh quốc tế của SACE tiết lộ có hơn 500-600 triệu USD đang được trao đổi với các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam. Hãng kỳ vọng đến cuối năm nay sẽ đạt được các thỏa thuận tài chính trị giá khoảng 370-380 triệu USD.
Theo bà Michal, Việt Nam là điểm đến đầu tiên trong chiến lược mở rộng hoạt động sang thị trường Đông Nam Á của hãng. Bởi lẽ, đây là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực, cùng với các hiệp định thương mại song phương và đa phương đưa Việt Nam thành nơi đầu tư lý tưởng cho các doanh nghiệp Italy.
“Nói đến Italy, người ta thường nhớ đến thiết kế sản phẩm mang tính thời trang, nhưng chúng tôi muốn nhấn mạnh nhiều hơn đến chất lượng sản xuất, vì Italy là quốc gia lớn thứ hai về công nghiệp ở châu Âu. Đây vừa là cơ hội để chúng tôi tăng giá trị xuất khẩu của Italy sang Việt Nam, vừa là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận sản xuất công nghệ cao từ nguồn cung của Italy”, bà Michal Ron bày tỏ.
Theo chia sẻ của ông Marco della Seta, Đại sứ Italy tại Việt Nam, trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Italy sang Việt Nam đạt 1,2 tỷ USD, trong khi ở chiều ngược lại, Việt Nam xuất khẩu 4,4 tỷ USD giá trị hàng hóa sang Italy.
“Lý do có sự mất cân đối ở đây là vấn đề về cơ cấu ngành hàng thế mạnh giữa hai quốc gia. Tuy nhiên chúng tôi không quá lo lắng về tình trạng nhập siêu này, vì rõ ràng thương mại tổng thể giữa hai nước đang tăng lên ở cả hai chiều. Chúng tôi đang làm việc với SACE để duy trì sự tăng trưởng này trong thời gian tới”, ông Marco della Seta chia sẻ.
Hiện SACE đang hợp tác với 20 ngân hàng quốc tế và làm việc thêm với 10 ngân hàng nội địa để cung cấp tài chính cho các doanh nghiệp Việt Nam. Những năm qua, hãng đã bảo lãnh khoản vay cho một số tập đoàn lớn như PVPower (200 triệu USD), Nutifood (31 triệu USD), Thaco...
Thực tế, SACE được Cục Ngân khố Italy (thuộc Bộ Kinh tế và Tài chính Italy) mua lại từ Ngân hàng Đầu tư Nhà nước Cassa Depositi e Prestiti (CDP) vào năm 2022 do vai trò ngày càng cao của hãng trong hỗ trợ nền kinh tế nước này. Tập đoàn có nghiệp vụ bảo lãnh và hỗ trợ tài chính cho các nhà xuất khẩu của Italy, đồng thời kết hợp với các ngân hàng để tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty tiếp cận tín dụng.
Sau Việt Nam, hãng sẽ tiếp tục mở rộng đến Singapore với kế hoạch hỗ trợ 2 tỷ USD hướng đến các lĩnh vực tài chính và thương mại ở quốc gia Đông Nam Á này.
Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục như hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới rất quan trọng. Để độc giả có thể tiếp cận những thông tin kinh tế quốc tế mới nhất, Tri thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh đáng chú ý. Từ việc nghiên cứu các công ty hàng đầu đến việc khám phá những xu hướng kinh tế mới, Tủ sách sẽ là nơi cập nhật các thông tin mới nhất về hoạt động kinh tế toàn cầu.