Ông Nguyễn Văn Hậu (tên thường gọi Hậu Pháo) đã bị khởi tố, bắt giam. Ảnh: Tập đoàn Phúc Sơn. |
Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an vừa tiến hành khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại CTCP Tập đoàn Phúc Sơn.
Cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Nguyễn Văn Hậu (tên thường gọi Hậu Pháo) - Chủ tịch HĐQT công ty - và 5 nhân viên, đối tượng liên quan vì đã có các hành vi giả mạo, khai man, để ngoài sổ sách kế toán doanh thu, tài sản liên quan... gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.
Từ người chăn vịt đến chủ doanh nghiệp nghìn tỷ
Theo Cổng thông tin quốc gia về thành lập doanh nghiệp, CTCP Tập đoàn Phúc Sơn có trụ sở tại huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Tiền thân là Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Phúc Sơn thành lập ngày 6/1/2004. Đến tháng 8/2009, doanh nghiệp được đổi tên thành CTCP Đầu tư hạ tầng đô thị Phúc Sơn.
Cuối tháng 7/2010, doanh nghiệp một lần nữa đổi tên thành CTCP Tập đoàn Phúc Sơn và hoạt động dưới tên gọi này cho đến nay, ông Nguyễn Văn Hậu (sinh năm 1981) là Người đại diện pháp luật. Ngoài ra, ông Hậu còn giữ vị trí Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc của doanh nghiệp.
Doanh nhân này còn là đại diện pháp luật của một số doanh nghiệp khác như CTCP đầu tư xây dựng Phúc Khánh, CTCP Đầu tư thương mại và bất động sản Thăng Long, Công ty TNHH Một thành viên khu đô thị Bàu Giang, CTCP Đầu tư hạ tầng công nghiệp Phúc Sơn.
Ông Nguyễn Văn Hậu được biết đến là người có tuổi thơ vất vả, từng phải đi chăn vịt để phụ giúp gia đình. Trước khi trở thành "hiện tượng" với dự án tại Nha Trang, ông Hậu và doanh nghiệp của mình còn gây bão dư luận khi chi ra hơn 1.500 tỷ đồng để đầu tư xây dựng nghĩa trang Thiên An Viên tại Vĩnh Phúc, được cho là công viên nghĩa trang lớn nhất Đông Nam Á.
Thời điểm mới thành lập tập đoàn này có vốn điều lệ 129,8 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập gồm ông Nguyễn Văn Hậu (góp hơn 109 tỷ, tương đương 84,6% vốn), bà Ngô Thị Thanh Nhàn (góp 15 tỷ, nắm 11,5% vốn) và ông Nguyễn Thanh Tùng (góp 5 tỷ, nắm 3,9% vốn). Nhưng đến nay, sau nhiều lần thay đổi, vốn điều lệ của Tập đoàn Phúc Sơn hiện tại là 1.600 tỷ đồng.
Nhiều dự án khủng nhưng chậm tiến độ
Tập đoàn Phúc Sơn là chủ nhà thầu của loạt dự án có tổng mức đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ ở phía Bắc và các tỉnh miền Trung.
Theo giới thiệu doanh nghiệp, tập đoàn này đã tiến hành đầu tư xây dựng khu Trung tâm thương mại và Nhà ở Phúc Sơn tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc với quy mô 130 hɑ; Khu nhà ở cho người có thu thập nhấp 15 tầng tại TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc và Khu đô thị hɑi bên đường Phù Đổng tại TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ với quy mô 149 hɑ.
Công ty này cũng là nhà thầu chính trong dự án tu bổ nâng cấp khu Di tích Lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ. Trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, tập đoàn này đã trúng nhiều gói thầu tại tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quɑng, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Hà Nội, Khánh Hòɑ...
Năm 2015-2016, Phúc Sơn trở thành "hiện tượng" trên thị trường địa ốc Nha Trang khi công bố đầu tư 3 dự án lớn với tổng vốn đầu tư 13.000 tỷ đồng. Siêu công trình này gồm dự án Khu đô thị Phúc Khánh 1 và 2 với tổng quy mô 61 ha và đặc biệt là dự án Khu trung tâm thương mại dịch vụ và tài chính Nha Trang (một phần sân bay Nha Trang cũ) có quy mô 62 ha.
Đáng chú ý, Tập đoàn Phúc Sơn còn gây chú ý khi thực hiện 3 dự án BT (xây dựng - chuyển giao) tại TP Nha Trang. Đó là dự án BT xây dựng các tuyến đường, các nút giao thông kết nối với khu sân bay Nha Trang; dự án nút giao thông Ngọc Hội và dự án đường vành đai kết nối nút giao thông Ngọc Hội.
Ba dự án BT được giao cho Phúc Sơn có tổng mức đầu tư 3.562 tỷ đồng. Đổi lại, tỉnh Khánh Hòa sẽ giao 20 ha đất sân bay Nha Trang cho công ty để làm vốn đối ứng với giá “tạm tính” là 3.261 tỷ đồng. Cả 3 dự án BT trên giao cho Công ty Phúc Sơn đều không qua đấu giá mà được chỉ định thầu.
Dự án BT chưa hoàn thành nhưng đất sân bay Nha Trang đã được Tập đoàn Phúc Sơn phân lô, bán nền. Ảnh: Xuân Hoát. |
Cụ thể, dự án BT nút giao thông Ngọc Hội nằm tại vị trí giao nhau giữa đường sắt với đường 23/10, thuộc địa bàn xã Vĩnh Hiệp và phường Ngọc Hiệp, TP Nha Trang. Dự án này đổi 5,49 ha đất sân bay, với tổng trị giá sử dụng đất tạm tính là 1.215 tỷ đồng (khoảng 22 triệu đồng/m2).
Dự án BT đường vành đai kết nối nút giao thông Ngọc Hội, còn gọi là đường vành đai 2, đổi 9,15 ha đất sân bay, với tổng trị giá đất tạm tính khoảng 1.099 tỷ đồng (khoảng 12 triệu đồng/m2).
Còn dự án BT nút giao thông kết nối khu sân bay Nha Trang đổi gần 6 ha đất, với giá trị đất tạm tính gần 950 tỷ đồng (khoảng 16 triệu đồng/m2).
Đáng chú ý, dù các dự án BT chưa hoàn thành, bàn giao, nhưng Tập đoàn Phúc Sơn đã phân lô bán nền gần hết các khu "đất vàng" được giao hoàn vốn tại sân bay Nha Trang và thu tiền của nhiều người mua đất. Việc bán nền tại sân bay Nha Trang của Phúc Sơn đã bị UBND tỉnh ra quyết định xử phạt hành chính với số tiền 275 triệu đồng.
Tháng 8/2022, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản gửi Tập đoàn Phúc Sơn về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính tại dự án Khu trung tâm đô thị thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch Nha Trang. Tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Tập đoàn Phúc Sơn khẩn trương thực hiện nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền hơn 11.994 tỷ đồng.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.