Theo nguồn tin riêng của Zing.vn, tập đoàn Synnex có trụ sở tại Mỹ đang hoàn tất việc mua lại cổ phần FPT Trading. Nhà phân phối này đang trong giai đoạn chuyển giao, tái thiết sau thương vụ.
Hiện chưa rõ Synnex Corp chiếm bao nhiêu phần trăm cổ phần của FPT Trading. Một số nhân sự cấp cao của FPT Trading cũng đã rời công ty. Trên website chính thức, Synnex mới chỉ công bố việc mua lại một số công ty ở thị trường Nam Mỹ trong tháng 6.
FPT Trading được cho là đang hoàn tất thương vụ với Synnex Corp. Ảnh: Synnex. |
Trước đó, một tập đoàn khác từ Đài Loan là Syntrend cũng được cho là tiếp cận FPT Trading trong nhiều tháng nhưng không có kết quả. "Kế hoạch mua lại khoảng 51% cổ phần công ty này đã lộ ra từ đầu 2017", một nguồn tin khác nói với Zing.vn.
Đại diện của FPT Trading từ chối trả lời về vấn đề này. Người đại diện này hẹn công bố khi có thông tin chính thức.
Synnex Corporation, thành lập năm 1980 bởi Robert T. Huang, có trụ sở đặt tại California, Mỹ. Tập đoàn này hoạt động trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ CNTT cho các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM), phát triển phần mềm và bán lẻ.
Trong lịch sử hoạt động, Synnex từng mua lại 20 công ty lớn nhỏ, trong và ngoài nước Mỹ, trong đó có bộ phận chăm sóc khách hàng doanh nghiệp của IBM, Redmond Group of Companies (Canada).
Tin đồn FPT bán mảng phân phối xuất hiện từ 2016, sau nhiều tháng các ông lớn trong ngành gặp khó. Trong vai "anh cả", FPT Trading cũng đứng trước áp lực về doanh số để tồn tại và duy trì vị thế.
Trong phiên họp diễn ra cuối tháng 3/2016, các cổ đông của FPT cho rằng tập đoàn này cần thoái vốn mảng bán lẻ (FPT Retail) và phân phối (FPT Trading) để tập trung vào các thế mạnh cốt lõi là công nghệ và viễn thông.
Đến nay, FPT dường như đã hoàn tất được một nửa kế hoạch khi bán mảng phân phối (bán sỉ), chỉ còn mảng bán lẻ chưa có người "cầu hôn".
Tại thị trường di động Việt Nam, có thế chân vạc giữa ba nhà phân phối: FPT Trading, Digiworld và Petrosetco (bên dưới nhà phân phối này còn có PSD, Smartcom và PHTD).
Đây là những đơn vị nhập khẩu điện thoại, sau đó phân phối (bán sỉ) đến các đại lý như Thế Giới Di Động, FPT Shop, Nguyễn Kim, Viễn Thông A.
Tuy nhiên, trật tự này đã có sự thay đổi trong những năm gần đây. Ba thương hiệu có thị phần lớn nhất ở Việt Nam là Apple, Samsung và Oppo (số liệu từ IDC) đã chỉ định đại lý nhập hàng trực tiếp (riêng Apple vẫn thông qua nhà phân phối lẫn nhà bán lẻ).
Sản phẩm của các thương hiệu còn lại như HTC, Sony, LG cũng "đổ bộ" trực tiếp đến các chuỗi đại lý và chỉ để thị phần nhỏ qua các nhà phân phối.
Do đó, "miếng bánh" phân phối di động chỉ còn là những thương hiệu thị phần nhỏ, đang cầm cự hoặc ngừng kinh doanh ở Việt Nam như BlackBerry, Pantech, Lenovo, Obi, Gionee... hay những cái tên mới gia nhập như Xiaomi, Intex... Có nhà phân phối phải bán thêm các mặt hàng tiêu dùng để có doanh số, không còn dựa vào mặt hàng di động như trước.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực này việc FPT Trading kịp "bán mình" (nếu là sự thật) có thể xem như động thái hợp thời.