FPT Trading, nhà phân phối các thiết bị di động có thâm niên ở Việt Nam, bất ngờ nhập lô hàng smartphone Oppo từ Đài Loan và bán rẻ hơn so với giá niêm yết tại các đại lý của Oppo Việt Nam.
Oppo Việt Nam lên tiếng cho rằng, FPT Trading vi phạm chính sách sử dụng thương quyền và tuyên bố từ chối bảo hành bất kỳ chiếc điện thoại Oppo nào do FPT phân phối và bán ra.
Động thái của FPT Trading khiến các nhà bán lẻ lớn dè chừng. Họ vốn có mối quan hệ tốt với Oppo Việt Nam vì được bảo vệ giá trong những năm qua, nên không dễ từ bỏ đối tác của mình.
Trong khi đó, các cửa hàng nhỏ hồ hởi với lô hàng từ FPT Trading, vì được phép bán rẻ hơn nên họ có lợi thế cạnh tranh hơn so với các hệ thống lớn.
Cả Oppo Việt Nam và FPT Trading được cho là đều có những lý lẽ thuyết phục. Câu chuyện ồn ào xung quanh lô hàng 1.000 chiếc Oppo F1, tuy nhiên, xét về giá trị, con số này rất bé so với hai ông lớn. Câu hỏi được đặt ra: Tại sao một nhà phân phối có tên tuổi như FPT Trading phải làm một việc gây tranh cãi đến vậy?
Phân phối di động: Miếng bánh ngày càng nhỏ
Nhìn vào thị trường di động tại Việt Nam, hiện có thế chân vạc giữa ba nhà phân phối: FPT Trading, Digiworld và Petrosetco (bên dưới nhà phân phối này còn có PSD, Smartcom và PHTD).
Đây là những đơn vị nhập khẩu điện thoại, sau đó phân phối (bán sỉ) đến các đại lý như Thế Giới Di Động, FPT Shop, Nguyễn Kim, Viễn Thông A.
Tuy nhiên, trật tự này đã có sự thay đổi trong những năm gần đây. Ba thương hiệu có thị phần lớn nhất ở Việt Nam là Apple, Samsung và Oppo (số liệu từ IDC) đã chỉ định đại lý nhập hàng trực tiếp (riêng Apple vẫn thông qua nhà phân phối lẫn nhà bán lẻ). Sản phẩm của các thương hiệu còn lại như HTC, Sony, LG cũng "đổ bộ" trực tiếp đến các chuỗi đại lý và chỉ để thị phần nhỏ qua các nhà phân phối.
Trao đổi với Zing.vn, ông Mai Triều Nguyên, Giám đốc nhà bán lẻ Mai Nguyên, cho rằng mảng phân phối tại Việt Nam đang ngày càng khó khăn. Các tên tuổi lớn như FPT Trading, Digiworld hay Petrosetco đều phải tích cực làm việc với nhiều hãng nhỏ cùng lúc, và tìm kiếm nhiều tên tuổi mới.
Theo đó, "miếng bánh" phân phối di động chỉ còn là những thương hiệu thị phần nhỏ ở Việt Nam như BlackBerry, Pantech, Lenovo,... hay những cái tên mới nổi như Obi, Gionee,... Đây chính là bài toán nan giải dành cho các nhà phân phối trong nước, khi họ ngày càng bị đẩy vào cửa hẹp.
Các ông lớn trong cơn bĩ cực
Năm 2015, Digiworld (DGW) đạt 4.208 tỷ đồng doanh thu và 105 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Kết quả này cho thấy DGW hoàn thành 70% kế hoạch doanh thu và 65,6% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Nguyên nhân được cho là do việc phân phối điện thoại của Nokia sụt giảm 64% so với năm trước.
Để bù lại khoảng trống do Nokia để lại, DGW phải tích cực đi tìm những thương hiệu mới. Nhà phân phối này đã và đang đưa về thị trường các model của Wiko, Obi, Intex,... và hàng tá các nhãn hàng khác trong mảng sản phẩm CNTT.
Nếu như DGW đóng vai "con ong chăm chỉ", khai phá những khách hàng mới để tiếp tục tồn tại, thì Petrosetco ở trạng thái khác. Năm 2015, mảng phân phối điện thoại và sản phẩm CNTT gặp nhiều khó khăn. Riêng doanh thu mảng điện thoại giảm đến 291 tỷ đồng so với năm 2014.
Petrosetco có ba công ty con là PSD, Smartcom và PHTD. Đa phần "khách hàng" là những tên tuổi đang khó khăn ở Việt Nam như BlackBerry, Lenovo, Pantech, Philips,... PSD vẫn phân phối một số sản phẩm của Samsung, nhưng hãng nắm trong này phần quan trọng nhất với kênh phân phối trực tiếp tới hệ thống lớn.
Không khá hơn DGW và Petrosetco, FPT Trading tuy là "anh cả" trong ngành phân phối di động, nhưng cũng đứng trước sức ép lớn từ thị trường.
Doanh thu từ mảng di động của công ty này những năm trước đây phần lớn đến từ việc nhập khẩu iPhone chính hãng, với 23% doanh thu (số liệu năm 2015). Tuy nhiên, Apple vừa "quy hoạch" lại thị trường Việt Nam bằng cách đồng ý cho các đại lý lớn như Thế Giới Di Động, FPT Shop được nhập khẩu trực tiếp và chỉ định thêm một nhà phân phối khác.
Ngoài Apple, FPT Trading cũng phân phối smartphone của Asus, HTC. Dù vậy, doanh số các nhãn hàng này đang sụt giảm.
Áp lực sinh chiêu trò
Thị trường phân phối thu hẹp, cả ba ông lớn đều gặp khó khăn. Trong vai "anh cả", FPT Trading cũng đứng trước áp lực về doanh số để tồn tại và duy trì vị thế.
Đây được cho là nguyên nhân trực tiếp khiến công ty này quyết định "nhập khẩu song song" lô hàng 1.000 chiếc Oppo F1 từ Đài Loan. Với cách làm này, FPT Trading cũng có thể tiến hành tương tự với những thương hiệu khác như Sony, LG,... Khách hàng của họ là cửa hàng nhỏ lẻ.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực di động, việc FPT Trading bán điện thoại Oppo cạnh tranh trực tiếp với Oppo Việt Nam (một nhà phân phối và sở hữu thương quyền của Oppo tại Việt Nam) cũng được nhìn nhận theo một góc độ khác.
Trong phiên họp vừa diễn ra cuối tháng 3, các cổ đông của FPT cho rằng tập đoàn này cần thoái vốn mảng bán lẻ (FPT Retail) và phân phối (FPT Trading) để tập trung vào các thế mạnh cốt lõi là Công nghệ và Viễn Thông.
Để làm được việc này, có thể FPT sẽ phải bán cả hai mảng phân phối lẫn bán lẻ. Và điều FPT cần làm là khiến hai đều phải trông "được giá".
Hai năm qua, FPT Shop liên tục mở thêm hàng trăm cửa hàng trên cả nước và trở thành nhà bán lẻ lớn thứ hai tại Việt Nam. Vị trí này để đảm bảo cho một thương vụ có lời.
"Trong khi đó, FPT Trading lại vướng vào 'nỗi khổ chung' của các nhà phân phối trong nước, nên công ty này cần một vài cú hích để chứng tỏ rằng mình vẫn có sức ảnh hưởng trong mảng phân phối điện thoại di động", ông Trương Hữu Dũng, một người kinh doanh di động có thâm niên tại TP HCM chia sẻ. Theo chuyên gia này, việc nhập lô hàng Oppo chỉ là một trong những động thái nhằm "bơm giá trị" của mảng phân phối của FPT Trading.