Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) vừa tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017.
Theo đó, năm 2016, giá trị sản xuất công nghiệp của Vinatex ước đạt 37.700 tỷ đồng, bằng 103% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu tính đủ đạt 2.477 tỷ USD, bằng 104% so cùng kỳ. Tổng doanh thu (không VAT) đạt 40.500 tỷ đồng, bằng 103% so cùng kỳ.
Lợi nhuận trước thuế của tập đoàn (không tính đơn vị phụ thuộc) năm 2016 đạt 1.430 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Thu nhập bình quân người lao động Vinatex mỗi tháng đạt gần 6,7 triệu đồng một người, tăng 8% so cùng kỳ.
Trước đó, năm 2015, doanh thu Vinatex đạt 52.655 tỷ đồng, tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 1.350 tỷ đồng. Năm 2015, Vinatex cũng trả lương cho gần 89.000 lao động với bình quân mỗi người 6,3 triệu đồng một tháng.
Đồ hoạ: K.Linh. |
2016 cũng là năm tập đoàn đẩy mạnh các hoạt động đầu tư. Tổng cộng, doanh nghiệp có 41 dự án với tổng mức đầu tư là 5.523 tỷ đồng. Trong đó, 9 dự án sợi có tổng mức đầu tư 2.048 tỷ đồng; 9 dự án dệt nhuộm 1.399 tỷ đồng; 17 dự án may 1.824 tỷ đồng; 6 dự án nâng cấp, sửa chữa, thay thế máy móc thiết bị với số tiền 251 tỷ đồng.
Trong 8 dự án của công ty mẹ Tập đoàn Dệt may Việt Nam làm chủ đầu tư, 7 dự án đã đi vào hoạt động.
Trước đó, ngày 23/12, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã công bố quyết định chấp thuận cho Vinatex được đăng ký giao dịch trên sàn UpCoM với mã chứng khoán VGT. Doanh nghiệp này cũng là tập đoàn Nhà nước đầu tiên đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Vốn điều lệ Vinatex hiện đạt 5.000 tỷ đồng, tương ứng 500 triệu cổ phiếu lưu hành. Trong đó, Nhà nước nắm giữ 53,49% cổ phần. Các cổ đông lớn khác của Vinatex còn có VID Group (14%), Vingroup (10%) và ông Bùi Mạnh Hưng (6%).