PVN chuẩn bị nhận về gần 17.000 tỷ đồng cổ tức từ các công ty con. Ảnh: PVN. |
Tổng công ty Khí Việt Nam - PV GAS (HoSE: GAS) mới đây đã thông báo về ngày đăng ký cuối cùng là 16/9 để thực hiện chi trả cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt và quyền nhận cổ phiếu phát hành do thực hiện tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (thưởng cổ phiếu).
Theo đó, doanh nghiệp này sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 60%, tương đương mỗi cổ phiếu nhận về 6.000 đồng. Đây là mức trả cổ tức cao nhất từ trước đến nay của PV GAS, qua đó đưa tổng công ty vào nhóm doanh nghiệp chi trả cổ tức lớn nhất sàn chứng khoán.
Với gần 2,3 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, PV GAS dự kiến chi hơn 13.780 tỷ đồng để trả cổ tức. Đáng chú ý, cổ đông lớn nhất là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam - PVN) với tỷ lệ sở hữu 95,75% dự kiến nhận về 13.200 tỷ đồng. Ngoài ra, PVN cũng nhận về hơn 44 triệu cổ phiếu thưởng từ PV GAS.
Nhờ nắm vốn tại nhiều công ty, PVN đều đặn nhận về hàng chục nghìn tỷ đồng cổ tức mỗi năm.
Năm nay, ngoài khoản cổ tức từ PV GAS, PVN cũng chuẩn bị nhận về gần 2.000 tỷ đồng cổ tức từ CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) nhờ nắm giữ 92,13% vốn.
Ngày 15/10 tới đây, đơn vị vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ chốt danh sách cổ đông chia cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 7%, tương ứng mỗi cổ phiếu nhận về 700 đồng.
Hay vào ngày 6/9, Tổng công ty Dầu Việt Nam - PV Oil (UPCoM: OIL) sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức bằng tiền theo tỷ lệ 2%, tương ứng mỗi cổ phiếu nhận về 200 đồng. Trong đó, hơn 80% giá trị khoản cổ tức, tương đương 166 tỷ đồng, sẽ dành để trả cho công ty mẹ là PVN.
Gần nhất, CTCP PVI (HNX: PVI) sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 30/8 để trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 32%, tương ứng mỗi cổ phiếu nhận về 3.200 tỷ đồng. Với việc nắm giữ 35% vốn, PVN dự kiến nhận được 262 tỷ đồng.
Trước đó, một trong những công ty con của PVN là CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau - Đạm Cà Mau (HoSE: DCM) cũng đã thanh toán khoảng 800 tỷ đồng tiền cổ tức trong đợt chi trả bằng tiền mặt theo tỷ lệ 20%, tương ứng mỗi cổ phiếu nhận về 2.000 đồng.
Một công ty phân bón, hóa chất khác là Tổng công ty Phân bón và hóa chất Dầu khí - Đạm Phú Mỹ (HoSE: DPM) cũng chuẩn bị chia cho PVN gần 466 tỷ đồng.
Tại Việt Nam, PVN là doanh nghiệp phi tài chính duy nhất có quy mô tài sản vượt mốc 1 triệu tỷ đồng. Các doanh nghiệp phi tài chính khác có tài sản lớn như Vingroup (668.000 tỷ đồng) và EVN (649.000 tỷ đồng) hiện cách PVN khá xa.
Tính đến hết năm 2023, tổng tài sản của PVN vượt mức 1 triệu tỷ đồng, tăng hơn 2% so với hồi đầu năm. Trong đó, các khoản tiền mặt và tiền gửi là gần 347.600 tỷ đồng.
Tại cuộc họp giao ban thường kỳ nhằm đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh 7 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tháng 8 và những tháng tiếp theo, ban lãnh đạo PVN cho biết tổng doanh thu toàn tập đoàn lũy kế 7 tháng ước đạt 567.400 tỷ đồng, vượt 31% kế hoạch 7 tháng và tăng 14% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 29.600 tỷ đồng, vượt 75% kế hoạch 7 tháng. Nộp ngân sách 84.600 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ.
Tính riêng trong tháng 7, kết quả kinh doanh của PVN tiếp tục duy trì tích cực. Các chỉ tiêu sản xuất trọng yếu hầu hết đều hoàn thành vượt mức kế hoạch tháng 6-20%.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.