Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tạp chí Mỹ: Có nhiều bài học từ thành công chống dịch của Việt Nam

Tạp chí Nation, tạp chí lâu đời nhất ở Mỹ, có bài viết bình luận quá trình chống dịch Covid-19 ở Việt Nam, nói “có nhiều bài học từ thành công của Việt Nam”.

Tạp chí Nation nhận định Việt Nam có dân số hơn Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore cộng lại - ba nơi thường xuyên được báo chí quốc tế khen ngợi về chống dịch Covid-19. Nhưng số ca nhiễm chỉ là 270 (tính đến 24/4) so với 10.702 ca ở Hàn Quốc, 11.178 ca ở Singapore và 427 ca ở Đài Loan.

Phân tích các nguyên nhân, tạp chí Nation cho rằng Việt Nam đã có tâm lý chuẩn bị sớm, giống các nước châu Á khác. Việt Nam là một trong những nơi có các ca nhiễm SARS đầu tiên năm 2003. Việt Nam cũng đề phòng vì giáp với Trung Quốc và có lượng lớn khách du lịch từ Trung Quốc.

viet nam chong dich anh 1

Một tranh cổ động phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: TTXVN.

Giảm thiểu số ca nhiễm

“Cách tiếp cận của Việt Nam không phải xét nghiệm diện rộng... như các nước phương Tây đang cố hướng đến”, Nation nhận định, “mà là chiến lược chủ động giảm thiểu số ca nhiễm”.

“Số lượt xét nghiệm - khoảng 175.000 cho đến nay - có thể không phải thước đo nên dùng. Đáng chú ý hơn là tỷ lệ giữa số lượt xét nghiệm và số ca nhiễm. Và tỷ lệ này ở Việt Nam cao hơn các nước khác gần 5 lần”.

Sau xét nghiệm là truy vết một cách chặt chẽ lịch sử tiếp xúc đối với mọi trường hợp nhiễm bệnh, cách ly ngay lập tức, và nhanh chóng tạo ra ứng dụng để khai báo y tế trên điện thoại.

Tất cả được hỗ trợ bởi việc huy động quân đội, cảnh sát, hệ thống y tế, nhân viên nhà nước, và chiến dịch truyền thông “mạnh mẽ và sáng tạo” bao gồm hoạt hình, mạng xã hội, và tranh cổ động (thay hình ảnh anh hùng lao động, nông dân thường thấy bằng hình ảnh bác sĩ đeo khẩu trang).

viet nam chong dich anh 2

Người tới lấy gạo miễn phí tại một “ATM gạo” ở Hà Nội đứng vào vị trí để giữ khoảng cách. Ảnh: AFP.

Ngày 11/1, khi ca tử vong đầu tiên được ghi nhận ở Vũ Hán, Việt Nam thắt chặt kiểm soát ở các sân bay và biên giới. Bốn ngày sau, khi Hồ Bắc có 27 ca nhiễm, các quan chức Việt Nam gặp gỡ đối tác từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC).

WHO sau đó đã khen ngợi Việt Nam đã đánh giá rủi ro nhanh chóng và ra hướng dẫn sớm.

Ca nhiễm đầu tiên là một số người đến hoặc trở về từ Vũ Hán. 21 người tiếp xúc gần được tìm ra và cho cách ly. Đến ngày 31/1, Việt Nam nhanh chóng lập ra Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, nhờ vậy có thể triển khai kế hoạch ứng phó trên toàn quốc.

viet nam chong dich anh 3

Poster nhắc người dân phòng chống dịch Covid-19 được dán bên cạnh một cánh cửa. Ảnh: AFP.

“Có nhiều bài học từ thành công của Việt Nam”

Giữa tháng 3, Việt Nam chỉ có 61 ca nhiễm. Bệnh nhân 61 là người Hồi giáo trở về từ thánh lễ ở Malaysia. Việt Nam ngay lập tức đóng cửa thánh đường mà ông đã tới ở TP.HCM, còn thôn của bệnh nhân này ở Ninh Thuận bị cách ly.

Lúc này, những ai tiếp xúc gần với trường hợp xác nhận nhiễm virus bị cách ly ngay lập tức, còn người tiếp xúc với người tiếp xúc gần sẽ phải tự cách ly.

Người tới các sân bay quốc tế cũng bị cách ly 14 ngày trong các cơ sở cách ly tập trung. Đến ngày 21/3, các chuyến bay quốc tế bị dừng, và không lâu sau đó hầu hết chuyến bay và chuyến tàu nội địa cũng bị dừng. Những ai rời Hà Nội, nơi có nhiều ca nhiễm nhất cả nước, đều bị cách ly khi ra tỉnh khác.

Điểm có nhiều ca nhiễm ở Hà Nội là bệnh viện Bạch Mai, bắt nguồn từ một người đã tới thăm người bệnh vào ngày 12/3. Thôn của người này, có 11.000 người, ngay lập tức bị phong tỏa.

Ngày 29/3, bệnh viện Bạch Mai, nơi đã có tới 45 ca liên quan, bị đóng cửa. Tất cả những người từng tới đây trong thời gian gần đây phải xét nghiệm.

Ba ngày sau, chính phủ ra lệnh cách ly toàn xã hội trong hai tuần - “một hành động mang tính chủ động, không phải như ở một số bang ở Mỹ là nhằm giảm thiểu số ca tử vong do bệnh đã lây lan ngoài tầm kiểm soát”, Nation bình luận.

Đến ngày 9/4, 1.000 nhân viên y tế ở Bạch Mai và 14.400 khách tới thăm viện đã được xét nghiệm.

Lệnh cách ly xã hội được gia hạn thêm một tuần, và đến ngày 22/4 được gỡ bỏ hoàn toàn ngoại trừ một số nơi ở Hà Nội và TP.HCM và hai tỉnh khác.

viet nam chong dich anh 4

Cầu Long Biên ở Hà Nội vắng xe giữa lệnh cách ly toàn xã hội để chống dịch. Ảnh: AFP.

Bài viết của Nation cũng nhận định Việt Nam đã tận dụng được thời gian kiểm soát tốt dịch bệnh ba tháng qua.

Nhờ đó, Việt Nam đã hỗ trợ chuyển hai lô hàng thiết bị đồ bảo hộ sang Mỹ, sản xuất bởi hãng DuPont tại Việt Nam. Việt Nam có đủ để gửi tặng khẩu trang cho một số nước châu Âu, và các nước khác như Lào, Campuchia.

Có thế mạnh trong ngành dệt may, Việt Nam đang tăng sức sản xuất lên 7 triệu khẩu trang vải và 5,72 triệu khẩu trang y tế mỗi ngày.

“Khi làn sóng tiếp theo tới, và đó là khả năng hoàn toàn có thể xảy ra, Việt Nam có cơ hội kiểm soát được như đã làm đối với các đợt vừa qua. Có nhiều bài học từ thành công của Việt Nam”, tạp chí Nation bình luận.

Cuộc chiến chống Covid-19 của Việt Nam lên talk show ăn khách ở Nga

Các cụm từ “ngạc nhiên,” “kỳ diệu” được các MC và video nhắc đến nhiều lần khi nói về những thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Hãng thông tấn Đức đề cao Việt Nam chống dịch Covid-19 thành công

Dù có chung biên giới với Trung Quốc, nhưng Việt Nam cho đến nay đã tránh được dịch bệnh bùng phát rộng và con số thương vong mà các nước châu Âu và Mỹ đang trải qua.

Trọng Thuấn

Bạn có thể quan tâm