Kết quả này là nhờ hành động sớm, đẩy mạnh xét nghiệm, cách ly nghiêm ngặt và triển khai đồng bộ, hãng thông tấn DPA của Đức bình luận trong bài viết mới đây.
Số ca nhiễm virus corona chỉ đang là 262 tính đến 13/4, và cách ứng phó của Việt Nam đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khen ngợi.
Người tới lấy gạo miễn phí tại một “ATM gạo” ở Hà Nội đứng vào vị trí để giữ khoảng cách. Ảnh: AFP. |
Phản ứng sớm, chống dịch cấp quốc gia
Con số thống kê chính thức cho thấy đang có hơn 75.000 người cách ly hoặc tự cách ly. Số mẫu xét nghiệm đã vượt trên 121.000 lượt, trong đó chỉ 262 ca dương tính.
Vẫn chưa có ca tử vong vì Covid-19 ở Việt Nam, và tỷ lệ nhiễm bệnh thấp hơn nhiều so với Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore - ba nơi đã được truyền thông quốc tế khen ngợi rộng rãi vì ứng phó hiệu quả với dịch bệnh.
Park Ki Dong, trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, tin rằng việc Việt Nam phản ứng sớm đối với dịch bệnh là tối quan trọng.
“Việt Nam ứng phó với dịch bệnh sớm và chủ động. Đánh giá rủi ro đầu tiên của Việt Nam được thực hiện đầu tháng 1 - không lâu sau khi các ca nhiễm ở Trung Quốc được ghi nhận”, ông Park nói.
Việt Nam nhanh chóng lập ra Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, nhờ vậy có thể triển khai kế hoạch ứng phó “ngay lập tức” trên toàn quốc, ông Park nói.
Poster nhắc người dân phòng chống dịch Covid-19 được dán bên cạnh một cánh cửa. Ảnh: AFP. |
Dù có số ca nhiễm thấp, Việt Nam vẫn ra lệnh cách ly toàn xã hội ngày 1/4 - bước đi sớm hơn và quyết đoán hơn các nước như Anh và Italy, những nước mà số ca nhiễm lên tới hàng nghìn trước khi ra lệnh phong tỏa.
“Ở các nước khác, chính phủ ra lệnh phong tỏa để đối phó với dịch bệnh đã hoành hành, còn Việt Nam làm tương tự là để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng ở phạm vi toàn quốc mà có thể tránh được”, hãng thông tấn DPA bình luận.
“Thành công của Việt Nam nhờ vào sự đoàn kết xã hội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gần đây gọi nỗ lực kiềm tỏa virus của Việt Nam là ‘cuộc tổng tấn công mùa xuân 2020’ vào COVID-19 - ý liên tưởng đến cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu thân năm 1968 trong chiến tranh chống Mỹ”.
Ông không phải người duy nhất liên tưởng đến chiến tranh. Nguyễn Vân Trang, một nhà kinh tế ở Hà Nội, nói cha mẹ bà chưa từng chứng kiến mức độ kỷ luật, tuân thủ và đoàn kết như vậy kể từ thời chiến tranh.
Cầu Long Biên ở Hà Nội vắng xe giữa lệnh cách ly toàn xã hội để chống dịch. Ảnh: AFP. |
Các trường học ở Việt Nam đã đóng cửa từ tháng 1, và việc cách ly tập trung đối với người trở về từ nước ngoài bắt đầu từ ngày 16/3. Kể từ đó, hàng chục nghìn người trở về Việt Nam từ các nước mà dịch bệnh lan rộng đã phải cách ly bắt buộc trong các trại cách ly lớn, trong đó có các cơ sở của quân đội. Đến ngày 25/3, các chuyến bay quốc tế cũng phải dừng.
Các giới hạn hiện tại không có dấu hiệu sẽ được gỡ bỏ trong tương lai gần. Đa số chuyến bay nội địa, chuyến tàu, xe buýt đã ngừng khai thác, và bất cứ ai rời Hà Nội - nơi có nhiều ca nhiễm nhất cả nước - phải cách ly khi đến hầu như tất cả tỉnh khác.
Truy vết tiếp xúc nhiều lớp
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, giải thích về thành công của Việt Nam trong một bài đăng gần đây trên mạng xã hội.
“Việt Nam cho đến nay chưa có sự lây lan mạnh trong cộng đồng, vì vậy số người cao tuổi nhiễm bệnh khá ít”, bà nói.
“Số bệnh nhân của chúng tôi ít, vì vậy chúng tôi có đủ cơ sở, thuốc men và bác sĩ đề điều trị. Ngoài ra, chúng tôi có kinh nghiệm xây dựng pháp đồ điều trị”, bà nói thêm, ý nói đến lần Việt Nam phải đối phó với dịch SARS năm 2003, cũng do chủng khác của virus corona gây ra.
Khi ấy, Việt Nam là nước đầu tiên ngoài Trung Quốc xác nhận ca nhiễm SARS, nhưng cũng là nước đầu tiên được WHO công nhận là đã kiểm soát được dịch.
Một tranh cổ động phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Việc truy vết hành trình tiếp xúc nhiều lớp của Việt Nam cũng có vai trò thiết yếu trong việc chống dịch.
“Lớp đầu tiên là cách ly và điều trị tại bệnh viện đối với người xác nhận là nhiễm virus, hay người có triệu chứng và bị nghi nhiễm virus”, ông Park, trưởng đại diẹn WHO tại Việt Nam, nhận xét.
Những ai đã tiếp xúc gần (F1) với người dương tính cũng phải cách ly bắt buộc. Người tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F1) cũng phải tự cách ly.
Lớp cuối cùng, cộng đồng, khu phố hay tòa nhà nơi có ca dương tính cũng phải cách ly, ông Park nói.
Một phụ nữ đạp xe qua trước một tiệm đóng cửa ở Hà Nội vào tháng 3. Ảnh: AP. |
Hình phạt nếu không tuân thủ cách ly có thể nghiêm khắc. Ở TP.HCM, người không đeo khẩu trang mà lây bệnh cho người khác có thể bị hình phạt tối đa 12 năm tù.
Ngày 10/3, một người Việt Nam lĩnh án 9 tháng tù vì tới chốt kiểm soát Covid-19, bị tổ công tác yêu cầu quay xe vì không đội mũ bảo hiểm, không đeo khẩu trang, nhưng lại hành hung thành viên tổ công tác.
Ông Park, trưởng đại diện WHO, nhận định dù các biện pháp nghiêm ngặt đã giúp Việt Nam có được tình hình khá ổn định cho tới nay, vẫn cần thời gian để biết được những sự ứng phó tương tự ở Việt Nam và ở các nước khác có thể ngăn chặn virus lây lan về lâu dài hay không.
“Chúng tôi không thể dự đoán, nhưng chúng tôi có thể nói rằng hướng đi của dịch bệnh sẽ được định đoạt bởi hành động mà mọi quốc gia, bao gồm Việt Nam, thực hiện ngay bây giờ”, ông Park nói.