Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tập Cận Bình thăm tàu sân bay - Thông điệp gì cho Biển Đông?

Báo chí Trung Quốc đưa tin trong tuần này, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thị sát tàu Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của nước này.

Các nhà phân tích cho rằng động thái này được coi là nhằm gửi thông điệp mạnh mẽ tới các đối thủ của Trung Quốc trong khu vực.

Trong chuyến thăm một thao trường ở Thẩm Dương và thị sát buổi huấn luyện trên tàu sân bay Liêu Ninh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình yêu cầu quân đội nước này phải nỗ lực hơn nữa trong công tác huấn luyện và bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trên tàu Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc.
Tờ Trung Quốc nhật báo (China Daily) cho hay tuần qua, ông Tập, Chủ tịch nước kiêm Chủ tịch Ủy ban quân ủy trung ương, đã thị sát máy bay chiến đấu cất cánh và hạ cánh tại căn cứ huấn luyện hải quân của Quân đội giải phóng nhân dân.

Ông Tập đã hoan nghênh màn thể hiện cùng kĩ năng lái máy bay của các phi công Trung Quốc trong điều kiện thời tiết phức tạp.

Cũng theo Trung Quốc nhật báo, chiều ngày 28/8, ông Tập đã tới Đại Liên và thị sát tàu sân bay Liêu Ninh.

“Chủ tịch Tập Cận Bình lo ngại về công tác hậu cần của con tàu sân bay, hỏi về điều kiện ăn ở và chăm sóc y tế cho các binh sĩ”, tờ Tân Hoa Xã cho hay.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Yang Yujun cho hay tàu Liêu Ninh là con tàu sân bay đầu tiên của quân đội Trung Quốc và “chắc chắn trong tương lai sẽ còn có thêm tàu sân bay nữa”.

Ông Yang cho biết Trung Quốc “sẽ xem xét toàn diện việc phát triển tàu sân bay trong mối tương quan với nhu cầu phát triển quốc phòng và quân đội”.

Tờ Thời báo Ấn Độ (Times of  India) cho rằng Trung Quốc lo ngại trước việc Nhật Bản hạ thủy tàu chở trực thăng mà theo các chuyên gia con tàu đó có thể được phát triển để trở thành tàu sân bay.

Vừa qua, Ấn Độ cũng hạ thủy con tàu sân bay nội địa đầu tiên, tàu INS Vikrant.

Theo Thời báo Ấn Độ, câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lại đang tụt hậu so với các quốc gia châu Á khác trong việc chế tạo tàu sân bay. 

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong) bình luận rằng, chuyến thăm tàu sân bay Liêu Ninh của ông Tập là một "thông điệp ngầm" gửi tới các quốc gia Đông Nam Á để "nhắc nhở" các nước trong khu vực về sức mạnh của hải quân Trung Quốc trong bối cảnh một số nước như Philippines, Việt Nam đang rất tích cực củng cố năng lực quốc phòng, đặc biệt là hải quân khi mà tình hình căng thẳng ở Biển Đông chưa có sự cải thiện nào đáng kể. 

Yue Gang, một tướng lĩnh đã nghỉ hưu của quân đội Trung Quốc lại cho rằng, thực chất chuyến thăm tàu sân bay Liêu Ninh là "tín hiệu" của Bắc Kinh gửi tới Tokyo trong khi các hành động tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro nổ ra xung đột. 

"Chuyến thăm có nghĩa là Trung Quốc vẫn đang tập trung phát triển những vũ khí chiến lược", Yue Gang nói, "Và điều quan trọng là Trung Quốc cần phải tiếp tục củng cố sức mạnh hải quân chứ chưa thể hài lòng với những thành tựu đã đạt được trong thời gian gần đây".

Trong khi thăm các đơn vị quân đội ở Thẩm Dương, ông Tập Cận Bình nhắc nhở các sỹ quan rằng quân đội Trung Quốc cần tập trung mạnh mẽ hơn nữa vào việc phát triển các "công nghệ lõi". "Công nghệ cũng như thức ăn, chúng ta không thể phụ thuộc vào người khác", ông Tập nói.

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đã chính thức được biên chế vào hải quân nước này hôm 25/9/2012.

 

 

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm