Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tào Tháo và sách lược 'con bài hoàng đế'

Theo Dịch Trung Thiên sách lược của Tào Tháo là “chơi con bài hoàng đế” và ông đã sử dụng danh nghĩa của hoàng đế để làm mọi việc, dù có bất nghĩa cũng trở thành chính nghĩa.

Luan anh hung anh 1

Tạo hình nhân vật Tào Tháo trong phim Tam quốc diễn nghĩa 2010.

Hoàng đế là con bài hay, vừa hư vừa thực. Nói là hư vì lúc này hoàng đế, đừng nói tới “cương nghị độc đoán” mà ngay cả thân cũng mất tự do, luôn phải nghe theo người khác, khác gì con rối? Vì vậy, hoàng đế là con bài có thể nắm trong tay. Nói là thực, vì không ai dám nói nó là giả, là không cần, mặc dù biết nó là giả, là thứ đồ trang trí, giống như truyện cổ tích...

Mỗi hoàng đế ra chỉ thị, có hiệu lệnh, mọi người đều làm ra vẻ phục tùng (có một số việc đã được làm) không dám ra mặt phản đối. Vậy, đó là quân bài có tác dụng, hơn nữa còn là vương bài. Tào Tháo vốn chưa đủ tư cách để chơi con bài này. Người có tư cách nhất là Viên Thiệu.

Viên Thiệu là tứ thế tam công, có địa vị chính trị, quân đông đất rộng, có sức mạnh quân sự. Nếu Viên Thiệu muốn nghênh đón thiên tử, người khác đành phải nhường. Hơn nữa, Thư Thụ - mưu sĩ của Viên Thiệu cũng thường xuyên nhắc nhở điều này. Nhưng tiếc là Viên Thiệu tầm nhìn hạn hẹp, chí lớn tài mọn. Các mưu sĩ khác bên cạnh cũng đều là hư danh, nhìn không ra.

Theo quan điểm của những kẻ thiển cận đó, vương triều nhà Hán trải bao giông tố bão bùng, khí số đã hết, vậy khôi phục Hán thất liệu còn có ý nghĩa gì? Đã không tính tới chuyện cứu thời độ thế, chỉ cần nắm quyền qua chiến tranh chết chóc, thì việc nghênh đón hoàng đế là không cần thiết. Để thứ bảo bối đó ở bên mình, để ngày ngày phải xin chỉ thị, việc việc phải bẩm báo, thì phiền phức quá.

Nghe lời hoàng đế, thì mình chẳng có vai trò gì, không nghe lời thì lại trái lệnh, biết theo ngả nào? Còn Viên Thiệu thì sao, cứ nghĩ đến việc Đổng Trác đã lập Hiến đế, lại thấy hận thấy ghét, nên đã xóa bỏ ý nghĩ nghênh đón Hiến đế.

Thực ra, đó là ý nghĩ thiển cận của đám ếch dưới đáy giếng. Nên nhớ, dù đó là ý kiến của Mao Giới với Tào Tháo “phụng thiên tử lệnh những kẻ chưa thần phục”, dù là ý kiến của Thư Thụ với Viên Thiệu “ép thiên tử lệnh chư hầu”, đều không thực lòng muốn khôi phục Hán thất đã mục rỗng, mà chỉ là muốn biến Hiến đế thành lá bài để sử dụng, chỉ cần lá bài này là vương bài, thì cần gì phải biết nó từ đâu tới? Trời trên cao, hoàng đế ở xa, nhưng vị hoàng đế kia nếu là con rơi, thì ở gần một chút chẳng phải dễ thao túng, khống chế sao?

Thỉnh thị hội báo, khấu đầu hành lễ, đương nhiên là cần. Người có chút đầu óc sẽ hiểu, chỉ cần qua loa một vài nghi thức thì nhất định Hiến đế sẽ phê chuẩn cho bằng hết. Lúc đó Hiến đế mới mười sáu tuổi, hãy còn là trẻ con. Lúc đầu nằm trong tay Đổng Trác, về sau lại do Vương Doãn và những người khác thao túng, chưa bao giờ cầm quyền thực sự. Lý Quyết, Quách Tị giao tranh, hai quân đang đối đầu trong thành Tràng An, Hiến đế phái người đến giảng hòa, nhưng không ai theo.

Đường đường là một đấng thiên tử, chưa nói đến hiệu lệnh thiên hạ, chỉ làm người hòa giải cũng không thành. Một vị hoàng đế đáng thương như vậy, nếu đến chỗ Viên Thiệu, sẽ làm thiên tử thế nào đây, để được sống tiếp cùng Viên đại nhân? Viên Thiệu cho rằng mình ở xa hoàng đế được tự do, muốn nghĩ gì thì nghĩ, muốn làm gì thì làm. Cách tư duy của Viên Thiệu chẳng khác mấy với bọn “cường nhân” là thảo khấu chiếm núi xưng vương. Khác hẳn với các bậc anh hùng hào kiệt có chí lo cho thiên hạ.

Không thể để mất cơ hội, vì thời cơ sẽ không quay lại. Viên Thiệu còn do dự thì Tào Tháo đã nẫng tay trên. Tào Tháo có Mao Giới bày mưu tính kế, lại có Tào Chiêu cùng những người khác dựng giàn bắc giáo, nhanh chóng có được con bài hoàng đế trong tay. Lần này đến lượt Viên Thiệu trố mắt ra nhìn:

Tào Tháo sau khi nghênh đón Hiến đế dời đô về Hứa Xương, không chỉ không mất gì, không bị khống chế, ngược lại, còn thu được không ít lợi lộc. Tào Tháo được cả một vùng đất rộng lớn về phía nam sông Hoàng Hà, dân chúng vùng Quan Trung lũ lượt theo về. Quan trọng nhất là, Tào Tháo có được nguồn vốn chính trị to lớn, không chỉ là anh hùng phục dựng lại Hán thất, có được vị trí “dưới một người trên vạn người”, mà còn làm cho mọi phái phản đối ở vào vị trí bất lợi, bất nhân bất nghĩa.

Từ đó bất kể là làm gì, sai khiến quan lại, mở rộng địa bàn, hay là đánh phá những kẻ khác ý, dẹp bỏ kẻ thù chính trị, Tào Tháo đều có thể mượn danh nghĩa của hoàng đế, dù có bất nghĩa cũng trở thành chính nghĩa.

Còn bọn đối thủ thì sao? Chúng rất bị động. Chúng muốn phản đối Tào Tháo, thì trước hết là phạm tội phản đối hoàng thượng. Và dù có giương cao ngọn cờ “Thanh trừng cận thần xấu” cũng còn xa mới bì được với Tào Tháo, có thể trực tiếp với danh nghĩa hoàng đế để xuống chiếu, vừa nhanh gọn, lại vừa lý tình đầy đủ.

Như sau này Viên Thiệu muốn đánh Tào Tháo, Thư Thụ, Thôi Diễm đều nói, “Thiên tử ở Hứa”, công phá Hứa Xương, “là phạm vào điều nghĩa”. Gia Cát Lượng cũng nói, Tào Tháo “ép thiên tử để lệnh chư hầu, điều đó là không thể giành”. Tào Tháo nhanh chân hơn, được nhiều lợi hơn.

Viên Thiệu hối hận, liền nghĩ ra biện pháp để bổ cứu. Viên Thiệu cho rằng Hứa Xương đất trũng, Lạc Dương bị phá hủy, yêu cầu Tào Tháo dời Hiến đế về Quyên Thành (nay là huyện Quyên Thành, Sơn Đông) cách chỗ mình không xa, để cùng hưởng lợi từ lá vương bài này. Đúng là nằm mơ được lấy vợ, toàn nghĩ ra chuyện hay.

Tào Tháo buồn cười và đã nghiêm chỉnh lấy danh nghĩa hoàng đế thảo một đạo chiếu thư gửi cho Viên Thiệu, trách cứ Viên Thiệu: “Đất rộng binh nhiều mà chỉ lo cho mình”, không thấy Thiệu ra quân cần vương, chỉ thấy Thiệu luôn luôn công kích người khác. Viên Thiệu trộm gà không được lại mất toi gạo, chẳng kiếm chác được gì lại bị ăn mắng, vô cùng tức giận, đành phải nuốt giận vào lòng, dâng thư biện bạch. Như vậy, Viên Thiệu đã thua to về chính trị lẫn tâm lý.

Thế rồi, lúc Tào Tháo lấy danh nghĩa hoàng đế bổ nhiệm Viên Thiệu là thái úy, phong Nghiệp hầu, Viên Thiệu liền chối từ. Vì thái úy tuy là trưởng quan quân sự cao nhất cả nước, một trong tam công, nhưng địa vị lại thấp hơn tướng quân. Và đại tướng quân lúc đó không phải ai khác, chính là Tào Tháo, người mà Viên Thiệu luôn xem thường.

Vì vậy, Viên Thiệu đã phẫn nộ nói với người khác, lẽ ra Tào Tháo đã chết đến mấy lần rồi, lần nào ta cũng cứu hắn, bây giờ hắn lại giương ngọn cờ thiên tử để ra lệnh cho ta, là cái giống gì thế? Đúng là tính khí trẻ con và hẹp hòi! Ngược lại, Tào Tháo rất độ lượng, hiểu rõ lúc này chưa thể phản lại Viên Thiệu, liền dâng biểu từ chức đại tướng quân để nhường cho Viên Thiệu. Lúc này Viên Thiệu mới yên vì thấy mình không mất sĩ diện. Kỳ thực, Viên Thiệu không ở trong triều nên có hiệu lệnh cũng chỉ quanh quẩn trong địa hạt của mình, vậy là đại tướng quân hay tiểu tướng quân cũng chẳng khác gì nhau. Hơn nữa, đây là chức vụ Tào Tháo nhường cho, vậy có gì là sĩ diện, ngược lại thấy rõ, tính khí quá trẻ con.

Tào Tháo được cả sĩ diện lẫn tình cảm. Đương nhiên Hiến đế cũng được lợi không ít.

Dịch Trung Thiên / Quảng Văn Books & NXB Văn học

SÁCH HAY