Ngày 8/7, Tổng cục Đường bộ (Bộ Giao thông Vận tải) có hướng dẫn tạo thuận lợi cho phương tiện vận chuyển hàng hóa và chở chuyên gia, công nhân qua lại TP.HCM.
Theo đó, ôtô vận chuyển hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh, hàng hóa đến các cảng, khu công nghiệp, ôtô chở công nhân, chuyên gia đi đến, đi qua TP.HCM và ngược lại, hoặc quá cảnh qua địa bàn TP.HCM được cấp thẻ nhận diện có mã QR.
Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, TP có trách nhiệm tạo điều kiện cho các phương tiện được ưu tiên này lưu thông thuận lợi.
Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải ký công văn hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, TP, đề nghị tập trung đẩy mạnh việc bảo đảm hàng hóa thiết yếu cung ứng cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam đang thực hiện giãn cách.
Trong đó, cần tạo luồng ưu tiên đặc biệt cho các phương tiện vận tải hàng hóa thiết yếu phục vụ chương trình bình ổn thị trường cung ứng cho các địa phương này, phối hợp với các đơn vị vận tải chuyên nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa.
Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công Thương lần lượt ban hành văn bản gỡ khó cho vận tải hàng hóa đến TP.HCM. Ảnh: Quốc Nam. |
UBND các tỉnh, TP phối hợp với TP.HCM thiết lập các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa thiết yếu để thay thế các chợ đầu mối và các điểm trung chuyển đã bị đóng cửa.
Bên cạnh việc bố trí các điểm bán hàng thiết yếu bổ sung, lưu động thay thế các cơ sở đang tạm dừng hoạt động và có biện pháp sớm mở lại các chợ, siêu thị, TP.HCM và các tỉnh có thể gửi nhu cầu cụ thể về mặt hàng cần hỗ trợ cung cấp và đơn vị tiếp nhận để Bộ Công Thương điều phối nếu cần thiết.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu UBND các tỉnh, TP phối hợp lực lượng quản lý thị trường để kiểm soát thị trường, ngăn tình trạng găm hàng, tăng giá, bán hàng kém chất lượng. Đồng thời, cần thông tin đầy đủ, kịp thời về năng lực cung ứng và các điểm bán hàng thiết yếu, điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa để ổn định tâm lý người dân.
Trước đó, các doanh nghiệp bán lẻ cho rằng việc yêu cầu kết quả âm tính của tài xế khi vào TP.HCM làm tăng chi phí bán hàng cho doanh nghiệp, dẫn đến tăng giá bán sản phẩm. Các đơn vị cũng bị động trong công tác điều phối xe tải chở hàng do khâu kiểm soát giấy chứng nhận âm tính theo cách thức thủ công gây ùn ứ hàng hóa, không đảm bảo 5K.
Bên cạnh đó, công tác xét nghiệm chưa có sự điều phối, thống nhất giữa TP.HCM và các tỉnh, thành nên thời gian lấy giấy chứng nhận tại các điểm xét nghiệm chậm trễ.
Do đó, các doanh nghiệp đề xuất các địa phương có hướng dẫn rõ ràng, phân bổ địa điểm xét nghiệm cụ thể trên địa bàn của từng địa phương, tốt nhất nên tổ chức xét nghiệm tại các trạm kiểm soát để chủ động xử lý các trường hợp phát sinh đột xuất. Các địa phương có thể thống nhất chỉ yêu cầu xét nghiệm nhanh và có hiệu lực lưu hành 3 ngày.