Cha mẹ hãy đồng hành cùng con để tôi luyện lòng dũng cảm. Ảnh: M&C. |
Những người kiên cường có chung một bộ khả năng giúp họ vượt qua được những tình huống thử thách. Có hai khía cạnh quan trọng trong hoạt động não bộ liên quan đặc biệt tới việc phát triển bản lĩnh kiên cường.
Đầu tiên là tính điều kiện, tức là cách mà các sự kiện được mã hóa lần đầu vào não bộ. Đó chính là nơi mà những trải nghiệm đầu tiên diễn ra trong mối quan hệ. Loài người học tập trong các bối cảnh xã hội.
Những tương tác với cha mẹ và/hoặc người chăm sóc sẽ mở ra cánh cửa cho rất nhiều sự phát triển thần kinh rất quan trọng của trẻ. Trẻ dần biết tin tưởng và cảm thấy an toàn trong môi trường của mình, khi những nhu cầu quan trọng của trẻ được đáp ứng.
Trẻ em xây dựng nền móng cho sự tự tin vào bản thân thông qua những tương tác hàng ngày với mọi người lớn xung quanh. Khi một phụ huynh làm gương cho con về niềm tin, thái độ chấp nhận bản thân và những hành vi giải quyết vấn đề một cách bình tĩnh, anh ấy, cô ấy sẽ hỗ trợ sự phát triển lành mạnh của não bộ và cho trẻ một xuất phát điểm quan trọng để rèn luyện tính kiên cường.
Khía cạnh thứ hai trong hoạt động của não bộ là tính dẻo dai thần kinh, tức là cơ chế cho phép não bộ phát triển và tái định hình thông qua những trải nghiệm mới. Tính dẻo dai thần kinh có nghĩa là não bộ liên tục thích nghi và thay đổi theo những trải nghiệm hằng ngày của bạn và theo ý nghĩa của những trải nghiệm đó với bạn.
Với mỗi trải nghiệm mới, bạn có cơ hội mở ra những thay đổi tích cực trong não bộ thông qua cách diễn giải những trải nghiệm đó, trong khi những diễn giải tiêu cực có thể tạo ra sự cứng nhắc, nỗi sợ hãi và cảm giác căng thẳng.
Điều đó có nghĩa là khả năng thay đổi, phát triển và trở nên mạnh mẽ hơn đã tồn tại sẵn trong suốt cuộc đời chúng ta. Ngay cả khi một người nào đó không có được một xuất phát điểm lý tưởng cho lắm thì, nhờ tính dẻo dai thần kinh, họ vẫn có thể phát triển những kỹ năng giải quyết vấn đề một cách lành mạnh và một khung tư duy tích cực thông qua những thông tin và hiểu biết mới.
Có bốn sự kiện lớn đầu đời có thể tác động tới sự phát triển não bộ và làm gián đoạn khả năng đối phó với những căng thẳng của cuộc sống và rèn tính kiên cường của trẻ.
- Những vấn đề về sự ràng buộc: Khi có điều gì đó xảy ra trong giai đoạn đầu đời và can thiệp vào khả năng đứa bé gắn bó với người chăm sóc chính thì những nguồn năng lực của não bộ thường có xu hướng tập trung vào việc sinh tồn hơn là việc phát triển não bộ. Các sự kiện diễn ra dù nhiều ít thế nào cũng sẽ xen vào sự gắn bó lành mạnh. Ví dụ, bệnh tật tinh thần hay thể chất của cha hoặc mẹ, những khó khăn hay bệnh tật về thể chất ở trẻ, căng thẳng hay mệt mỏi của người mẹ, việc lạm dụng chất kích thích của người cha, việc bị lạm dụng thể chất, bị lạm dụng tình dục, bị bỏ rơi, bị cho đi làm con nuôi hoặc cái chết của cha/mẹ. Bất cứ sự kiện nào trong số này cũng có thể góp phần tạo ra những vấn đề về sự gắn bó, ràng buộc.
- Cha mẹ hoặc người chăm sóc là người nhu nhược, không kiên cường: Khi cha mẹ hay người chăm sóc không rèn những kỹ năng thuộc về bản lĩnh kiên cường cho chính họ thì họ sẽ không thể làm gương cho con trẻ được. Cha mẹ có đặc điểm ái kỷ hoặc rối loạn nhân cách ranh giới thường không thể kiên cường trong những tình huống khó khăn vì những nỗi sợ hãi, cảm giác căng thẳng, những quy tắc cứng nhắc và những khó khăn về mặt cảm xúc của họ. Điều này có thể gia tăng nỗi lo âu và những phản ứng tiêu cực của trẻ đối với nghịch cảnh.
- Những trải nghiệm đau lòng thời thơ ấu: Ủy ban về Lạm dụng chất kích thích và dịch vụ sức khỏe tinh thần (The Substance Abuse and Mental Health Services Administration - SAMHSA) đã định nghĩa những trải nghiệm đau lòng thời thơ ấu (Adverse Childhood Experiences - ACE) là những sự kiện gây căng thẳng hoặc sang chấn.
Trong những trải nghiệm đó có trải nghiệm lạm dụng và bỏ rơi, những công việc nhà bị bỏ bê, chứng kiến bạo lực gia đình hoặc một thành viên gia đình lạm dụng bừa bãi chất kích thích.
Những trải nghiệm đau lòng thời thơ ấu này rất có khả năng tác động tiêu cực đến sự phát triển của não bộ và tính kiên cường của trẻ. Những phản ứng cảm tính bồng bột và vô lý của phụ huynh ái kỷ hoặc rối loạn nhân cách ranh giới là những tình huống nghịch cảnh mà con trẻ khó có thể hiểu được rõ căn nguyên và cách ứng phó.
- Sang chấn nặng nề thời thơ ấu: Phần lớn những sự kiện đau khổ nằm ngoài tầm kiểm soát của một người cha/người mẹ và để lại những hậu quả tiêu cực đối với sự phát triển lành mạnh của não bộ trẻ.
Những sự kiện đó có thể là một thảm họa tự nhiên như bão tố hoặc ngập lụt, có thể là việc một người thân yêu qua đời, trẻ hoặc một người chăm sóc thân thiết bị mắc trọng bệnh, cha/mẹ bị bệnh tâm thần, mất nhà mất cửa hoặc cha mẹ phải đi tù.
Những sự kiện sang chấn này có thể làm gián đoạn nghiêm trọng những giai đoạn phát triển bình thường của não bộ trẻ. Mức độ ảnh hưởng của những sự kiện này đơn giản là quá tải đối với các con. Thay vì phát triển sự linh hoạt và bản lĩnh kiên cường thì các con phải dồn năng lượng vào việc sống sót qua những sự kiện này.
Với mỗi một yếu tố gián đoạn tiềm ẩn này, bạn vẫn có thể làm nhiều việc để tránh né chúng. Với lòng quyết tâm và hành động quyết liệt, bạn có thể điều chỉnh phản ứng và diễn giải ban đầu của trẻ về một trải nghiệm đau buồn nào đó, biến nó thành một trải nghiệm học tập.
Có người lớn ở bên giúp đỡ, trẻ sẽ chuyển hóa được một sự kiện đau lòng, bối rối thành một tình huống học tập, có thể xây dựng lòng tự tôn, sự linh hoạt và bản lĩnh kiên cường. Vai trò của sự dẻo dai thần kinh được thể hiện chính ở điểm này.
Bình luận