Ngày 31/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả sản xuất vụ đông năm 2019 và triển khai kế hoạch vụ đông năm 2020 các tỉnh phía Bắc.
Phát biểu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh từ đầu năm đến nay, khu vực nông nghiệp chịu rất nhiều rủi ro, nguy cơ kép, đó là vừa chịu tác động của dịch Covid-19, vừa phải đối phó với dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và thiên tai bất thường.
Trong hoàn cảnh đó, ngành nông nghiệp vẫn đặt ra mục tiêu phải tổ chức sản xuất lương thực và thực phẩm tốt để vừa đảm bảo lương thực thực phẩm cho 100 triệu dân, vừa đảm bảo xuất khẩu.
Về lương thực, đến nay đã gieo cấy thành công 6,7 triệu ha. Bên cạnh đó, phổ cây trồng của vụ đông cũng rất rộng, các địa phương có thể lựa chọn cơ cấu phù hợp.
"Thêm đặc điểm nữa là Trung Quốc bị mưa lịch sử hàng trăm năm, kéo theo đó, thực phẩm (đặc biệt là rau màu) sẽ bị thiếu, chúng ta cần tận dụng cho được lợi thế này", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Từ đó, Bộ trưởng đề nghị các doanh nghiệp vào cuộc, địa phương chủ động lựa chọn cơ cấu giống cây trồng, chuyển đổi đất trồng lúa, vùng hạn mặn… để đẩy mạnh sản xuất cây vụ đông. Các doanh nghiệp cố gắng sát cánh cùng bà con trong tiêu thụ nông sản.
Ở vụ đông năm nay, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu diện tích sản xuất đạt 430.000-450.000 ha, tăng khoảng 10-20% diện tích so với vụ đông 2019; sản lượng phấn đấu đạt 4,6-4,9 triệu tấn, tăng 10-15%. Tổng giá trị sản xuất phấn đấu đạt khoảng 34.000-36.000 tỷ đồng, trung bình giá trị sản xuất đạt khoảng 75 triệu đồng/ha.
Cơ cấu, nhóm cây ưa ấm (ngô, khoai lang, đậu tương, lạc, rau ưa ấm) chiếm tỷ lệ khoảng 55%. Nhóm cây ưa lạnh (khoai tây, rau đậu ưa lạnh) khoảng 45%.
Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), từng tỉnh căn cứ vào diện tích thu hoạch, điều kiện nguồn nước, đất đai và thị trường, chủ động bố trí thời vụ, diện tích với cơ cấu cây trồng phù hợp nhằm đảm bảo đạt diện tích sản xuất vụ đông tối đa nhưng phải đảm bảo chắc ăn và hiệu quả kinh tế.
Bên cạnh đó, tập trung ưu tiên phát triển ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi. Theo số liệu của Cục Chăn nuôi, tổng nhu cầu ngô sinh khối cần cho chăn nuôi đại gia súc là 27,6 triệu tấn/năm, trong đó các doanh nghiệp chăn nuôi tự cung cấp được khoảng 70% còn lại cần mua ngoài là 30% (khoảng 8 triệu tấn).