Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tăng tuổi nghỉ hưu, có ‘nới’ tuổi quy hoạch lãnh đạo?

Với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng sẽ có những tác động nhất định đến độ tuổi quy hoạch của đội ngũ lãnh đạo.

Quốc hội đang thảo luận về Bộ luật Lao động (sửa đổi) với quy định được chú ý nhất là đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. Sau khi Chính phủ đưa ra đề xuất, một câu hỏi đặt ra là “liệu tăng tuổi nghỉ hưu có nới tuổi quy hoạch”.

Bên hành lang Quốc hội sáng 30/5, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng nếu nói tăng tuổi nghỉ hưu không tác động đến độ tuổi quy hoạch là không đúng. Song, theo ông Lợi, tác động này rất chậm.

tang tuoi nghi huu anh 1
Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi. Ảnh: Anh Tuấn.

“Ví dụ, anh nâng 1 tuổi, tác động ngay 1 năm, nâng 3 tháng thì chỉ tác động 0,4 năm. Sự tác động này chậm hơn có thể đáp ứng được nhu cầu. Như vậy, tăng tuổi nghỉ hưu thì công tác quy hoạch những người giữ chức vụ lãnh đạo sẽ được cộng thêm tương ứng”, ông Lợi lý giải.

Đặc biệt, đề xuất này được ông Lợi nhận định sẽ tác động đến chuyện thay thế đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo. Ông đề nghị Chính phủ phải có nghiên cứu kỹ lưỡng.

Trước hết, theo ông, một số quy định của Đảng, Nhà nước về việc giữ chức vụ không quá hai nhiệm kỳ nên vận dụng một thời gian để đỡ căng thẳng câu chuyện giữ ghế.

Ông phân tích, đối tượng nâng lên của nam từ 62 lên 67 tuổi và của nữ giới từ 60 lên 65 tuổi, tức là được kéo dài thêm 5 năm. Nhưng nếu khi đó, năng lực, khả năng, sức khoẻ, trí tuệ để lãnh đạo… bị hạn chế thì cán bộ ấy cũng không nên giữ vị trí lãnh đạo nữa, chỉ tập trung làm chuyên môn, tạo cơ hội cho lớp trẻ.

“Còn những người thực sự có tài, cơ quan đơn vị có nhu cầu, đảng có đề xuất, người ta có nguyện vọng thì có thể giữ lại. Đây phải là những trường hợp hết sức đặc biệt, coi là nhân tố trí tuệ cao”, ông Lợi nhấn mạnh.

Vị Phó chủ nhiệm dẫn chứng trong Bộ Chính trị có những người đã 65, 67 tuổi nhưng cần giữ lại, vì đây là những nhân tố cốt cán của lãnh đạo. Không phải họ thích làm, mà đây là nhu cầu của Đảng, có sự tín nhiệm của nhân dân.

Trước lo ngại việc “nới” tuổi quy hoạch sẽ làm mất đi cơ hội của cán bộ trẻ, ông Lợi cho rằng lo ngại ấy chỉ đúng với thời bao cấp, còn hiện nay phải qua khâu thi tuyển, tuyển chọn chứ không phải qua phân bổ, vì thế không có chuyện làm mất cơ hội của cán bộ trẻ.

Dù nhận định như vậy, song ông Lợi vẫn cho rằng nên tuân thủ chính sách “giữ chức vụ lãnh đạo không quá hai nhiệm kỳ, những người ở lại kéo thêm sau 5 năm thì chủ yếu làm chuyên môn”.

Nhìn nhận bao quát, ông Lợi đánh giá Bộ luật Lao động (sửa đổi) làm hơi gấp, hơi nhanh, vì thế cần tiếp tục lấy ý kiến người lao động ở tất cả các ngành nghề lao động, để xác định ngành nghề nào có thể làm đến 60 hoặc 62 tuổi, ngành nghề nào không thể nâng lên được, thậm chí, ngành nghề nào phải giảm tuổi nghỉ hưu để tạo sự đồng thuận.

Hai phương án tăng tuổi nghỉ hưu

Phương án 1, từ 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ.

Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Như vậy, đến năm 2028 thì nam đạt 62 tuổi và đến năm 2035 thì nữ đạt tuổi nghỉ hưu là 60.

Phương án 2, từ 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ.

Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Với lộ trình nhanh hơn này, đến năm 2026 lao động nam sẽ đạt 62 tuổi và đến năm 2030 nữ đạt tuổi nghỉ hưu là 60.

Ngoài 300% lương, làm việc ngày lễ được hưởng mức tăng lũy tiến

Bộ luật Lao động sửa đổi bổ sung quy định người lao động được hưởng 300% lương nếu làm thêm vào ngày nghỉ lễ, Tết. Ngoài ra, có thể thỏa thuận trả lương lũy tiến cao hơn mức trên.




Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm