Sáng 29/5, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày tờ trình dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Chiều cùng ngày, các đại biểu sẽ thảo luận về nội dung này.
Về đề xuất điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết Chính phủ trình ra 2 phương án.
Phương án 1, với người lao động làm việc trong điều kiện bình thường, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
“Chính phủ đề xuất chọn phương án này vì đây là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế”, ông Dung thông tin.
Bộ trưởng Lao động Đào Ngọc Dung trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 29/5. Ảnh: Minh Quân. |
Phương án 2, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Đồng thời, theo ông Dung, dự luật này cũng quy định điểm mới về “quyền nghỉ hưu” sớm hoặc muộn không quá 5 năm với từng nhóm người lao động.
Điều chỉnh theo lộ trình chậm
Trao đổi thêm với báo chí bên hành lang Quốc hội về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, Bộ trưởng Lao động Đào Ngọc Dung nhấn mạnh việc này phải tính đến yếu tố tăng trưởng, việc làm, đảm bảo bền vững, giữ được quỹ BHXH lâu dài.
“Việt Nam có dân số vàng, nhưng thời điểm dân số vàng bắt đầu chuyển sang giai đoạn dân số già là vào 2014”, ông Dung nói.
Năm 2000 bình quân số người bước vào tuổi lao động của chúng ta mỗi năm là 1,2 triệu, đến bây giờ đã giảm xuống còn 400.000. Chưa kể đến việc Việt Nam là nước có tuổi thọ bình quân cao trong khu vực châu Á, cũng là nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất hiện nay.
“Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nằm trong tổng thể rất nhiều phương án, bộ luật khác chứ không phải chỉ trong Bộ luật Lao động này”, ông Dung nói và đề nghị báo chí tuyên truyền rộng rãi để người lao động hiểu đây là điều chỉnh dần dần, theo lộ trình chậm.
“Đến năm 2028 mới có người nam đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 62 và đến 2035 người nữ đầu tiên mới nghỉ hưu ở độ tuổi 60”, Bộ trưởng Lao động nhấn mạnh.
Không cố định tuổi hưu
Đặc biệt, ông Dung cho biết có 3 trường hợp người lao động được quyền nghỉ hưu sớm hơn 5 tuổi, gồm bị suy giảm sức khỏe, lao động nặng nhọc, độc hại. Đi liền với đó, cơ quan soạn thảo đang thiết kế chính sách cho phép nghỉ hưu ở tuổi 50. Có nghĩa là không phải bắt buộc quy định cứng người lao động cứ phải đủ tuổi mới được nghỉ hưu, ví dụ, lĩnh vực than, hầm lò.
Nhưng lĩnh vực lao động có trình độ cao như tòa án, viện kiểm sát...; người có hàm giáo sư, phó giáo sư, nhà khoa học giỏi thì phải khuyến khích họ làm suốt đời, đến khi nào còn có thể cống hiến.
“Tôi rất muốn chúng ta hiểu một cách đầy đủ về tăng tuổi nghỉ hưu và đến lúc này chúng ta không thể không tăng tuổi nghỉ hưu. Nếu đến 2035 không điều chỉnh thì Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng già hóa dân số như Nhật Bản hay một số nước hiện nay”, Bộ trưởng Lao động cảnh báo.
Về câu hỏi liệu việc điều chỉnh này có ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của người trẻ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh mục tiêu số một của điều chỉnh tuổi hưu là phải đảm bảo tăng trưởng kinh tế, ổn định và công ăn việc làm cho giới trẻ.
Việt Nam hiện nay không phải đỉnh cao của dân số vàng nữa mà đã bắt đầu già hóa dân số. Vì vậy, không có chuyện người già tranh chấp chỗ của người trẻ, quan chức "giữ ghế" để làm việc.
“Đây là chúng ta tính cho tương lai, cho thế hệ sau. Nếu không tăng tuổi nghỉ hưu là chúng ta truyền gánh nặng cho thế hệ sau”, ông Dung nói.