Tuần trước, khi giới khoa học vũ trụ còn chưa hết kinh ngạc trước cảnh tượng tên lửa mạnh nhất thế giới Falcon Heavy phóng thành công với cột khói lửa sáng rực, đồng thời đưa chiếc xe ôtô Tesla nhắm tới sao Hỏa, tỷ phú Elon Musk đã “khích” thế giới về một cuộc chạy đua vũ trụ.
“Chúng ta cần một cuộc chạy đua vũ trụ mới”, Elon Musk nói trong buổi họp báo sau khi phóng tên lửa thành công. “Chạy đua mới thú vị chứ”.
Mạnh gấp đôi nhưng rẻ gấp ba
Ông hoàn toàn xứng đáng với lời thách thức trên. Nhờ phóng thành công Falcon Heavy, công ty SpaceX của ông giờ đang ở đỉnh cao công nghệ vũ trụ. Tên lửa cao 23 tầng, tiêu tốn nửa tỉ USD này mạnh gấp đôi tên lửa mạnh nhất trước đó nhưng chi phí chỉ bằng một phần ba, theo BBC News.
Tên lửa Falcon Heavy được phóng lên ở Cape Canaveral, bang Florida, Mỹ ngày 6/2. Ảnh: Getty. |
Nhưng điều làm cho cả ngành công nghiệp vũ trụ kính nể còn nằm ở 3 động cơ đẩy cao 16 tầng có khả năng tái sử dụng – bí kíp khiến tên lửa của ông có giá thành cạnh tranh, và giúp ông có thể phát ngôn tự tin đến như vậy.
Thường sau khi các tên lửa được phóng lên, các động cơ đẩy có thể bị phá hủy trong bầu khí quyển hoặc khi rơi xuống biển, nhưng lần này, Elon Musk đã có thể khiến 2 trong số 3 động cơ đẩy của mình đáp xuống Trái Đất thành công, điều chưa từng xảy ra.
“Như vậy, ông ta có thể dùng các động cơ đẩy để phóng thêm lần nữa. Sớm muộn, ông ta sẽ có thể phóng chúng 10 lần trước khi bỏ đi, nhờ vậy giảm thiểu chi phí. Điều này sẽ làm thay đổi lớn cách chúng ta tiếp cận hay mọi thứ chúng ta làm trong không gian”, phóng viên khoa học của BBC Jonathan Amos nói.
Chưa kể, tên lửa càng mạnh sẽ mang trọng tải lớn hơn vào không gian và đóng góp vào giảm chi phí.
Cặp đôi động cơ đẩy 2 bên của tên lửa Falcon Heavy hạ cánh thành công. Ảnh: SpaceX. |
Cuộc chạy đua vũ trụ mới
Ngành công nghiệp vũ trụ mà ông Elon Musk kêu gọi chạy đua đã chứng kiến sự đầu tư đầy tham vọng của các tỷ phú.
Chỉ sau hơn 15 năm, SpaceX đã vươn tới lĩnh vực phóng tên lửa, vốn là lãnh địa của các cơ quan hàng không quốc gia như NASA của Mỹ.
Cha đẻ của Amazon Jeff Bezos lập công ty Blue Origin cũng đã làm nên lịch sử năm 2015 khi khiến tên lửa New Shepard hạ cánh thẳng đứng từ ngoài không gian. Công ty này cũng đang chế tạo tên lửa để phóng lên sao Hỏa.
Các đối thủ khác bao gồm Planetary Resources, với dự định khai thác tài nguyên từ thiên thạch, Virgin Galactic của tỷ phú Richard Branson muốn phát triển du lịch trong vũ trụ, và Moon Express với tham vọng vận chuyển hành khách lên mặt trăng.
“Kỉ nguyên vũ trụ của thế kỉ trước được thúc đẩy bởi cuộc đua giữa Mỹ và Liên Xô, bắt đầu từ sự kiện Sputnik,” Phil Larson, cố vấn về vũ trụ cho Tổng thống Obama và từng làm việc cho SpaceX, nói với Guardian. Năm 1957, Liên Xô đi trước một bước với vệ tinh đầu tiên trong lịch sử Sputnik, buộc Mỹ phải rót tiền vào khoa học để bắt kịp.
“Điều chúng ta lại thấy trong vòng 5-10 năm trở lại đây là cuộc đua nóng dần giữa các công ty, giữa các công ty và chính phủ”, Larson nói.
Thị trường tên lửa đang ngày càng sôi động hơn, từ rất nhiều công ty tư nhân, chứ không chỉ là các chính phủ, Jeff Manber, CEO của công ty vũ trụ Nanoracks, nói với Guardian. Giấc mơ của ông là một trạm vũ trụ của riêng mình.
Elon Musk nói ông muốn “khuyến khích các nước, các công ty tham vọng hơn, làm to hơn” trong buổi họp báo sau khi phóng thành công Falcon Heavy. Ảnh: Business Insider. |
Brendan Byrne, dẫn chương trình podcast “Are We There Yet?” chuyên về vũ trụ trên hệ thống radio quốc gia Mỹ (NPR), nói với Zing.vn thành công của Elon Musk có thể khiến các nước có thêm động lực phát triển chương trình vũ trụ của riêng mình. “Họ có thể nghĩ rằng nếu một công ty tư nhân làm được với 500 triệu USD, thì mình cũng làm đươc”.
“Đắc chí” nhất có lẽ là NASA. “Họ đang ‘thèm nhỏ dãi’ trước tiềm năng mới này [của tên lửa mới], và cơ hội đưa tên lửa đó tới các hành tinh khác”, Casey Dreier, giám đốc chính sách ở tổ chức vận động Hội Các hành tinh, nói với Guardian.
Tên lửa Falcon 9 của SpaceX có chi phí khoảng 60 triệu USD/chuyến, còn tên lửa Falcon Heavy từ 90-160 triệu USD/chuyến tùy vào sửa đổi cấu tạo. Trong khi đó, siêu tên lửa SLS đang được NASA chế tạo có chi phí tới 1 tỉ USD.
Công nghệ vũ trụ “thiết thực với Việt Nam”
Trao đổi với Zing.vn, Giáo sư Nguyễn Đức Cương, chủ tịch Hội Hàng không – Vũ trụ Việt Nam, nói “cuộc thử nghiệm thành công vừa rồi của hãng SpaceX đã chứng tỏ có thể giảm giá thành các chuyến du hành vũ trụ xuống hàng chục lần”, vì thiết bị phóng thường chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành ứng dụng vệ tinh.
Ông Cương cho biết “các phương tiện này ngày càng rẻ, cũng do cạnh tranh và phát triển công nghệ”, với chi phí phóng một vệ tinh nano dưới 10 kg chỉ còn dưới 1 triệu USD. Năm ngoái, Ấn Độ phóng 1 tên lửa mang số lượng kỉ lục 104 vệ tinh lên quỹ đạo.
“Mọi thứ đang diễn biến rất nhanh”, ông Byrne nói với Zing.vn. “Falcon Heavy chỉ mới được công bố năm 2011. Tôi nghĩ SpaceX và các công ty tư khác như Blue Origin đang tiến lên ngày càng nhanh. Chúng ta có thể sẽ thấy tác động lớn trên toàn cầu trong vòng 10 năm tới”.
Theo Popular Mechanics, ngay cuối tuần này, SpaceX có thể sẽ phóng thử nghiệm các vệ tinh đầu tiên trong kế hoạch dùng mạng lưới hàng nghìn vệ tinh để phát Internet trên toàn cầu, dự kiến hoàn thành năm 2021. Công ty OneWeb với tham vọng tương tự cũng sẽ phóng vệ tinh thử nghiệm trong các tháng tới.
Chùm vệ tinh phủ sóng Internet toàn cầu được kỳ vọng đem lại lợi ích nhiều nhất với các nước đang phát triển. Ảnh: SpaceX. |
“Các chùm vệ tinh cho phép phủ sóng di động và kết nối mạng Internet toàn cầu (coi như khắp nơi có Wi-Fi), trong đó có Việt Nam, mở ra triển vọng to lớn để phát triển các dịch vụ Internet, nhất là ở vùng sâu vùng xa và tạo thuận lợi cho bà con ngư dân đánh bắt xa bờ, khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”, GS Cương cho biết.
Việt Nam có 3/4 diện tích lãnh thổ là đồi núi và có khoảng 1.000.000 km2 biển thuộc chủ quyền cần đảm bảo thông tin liên lạc. Ngoài ra, có khoảng 2 triệu ngư dân Việt Nam đang đánh cá xa bờ, theo báo Tuổi Trẻ.
“Một hướng ứng dụng khác cũng rất thiết thực của công nghệ vũ trụ là công nghệ viễn thám cho phép theo dõi thời tiết, mùa màng, lũ lụt, sạt lở bờ sông, bờ biển, thậm chí đo độ sụt lún cỡ vài cm của các công trình trong một năm”, ông Cương nói thêm.
“Công nghệ vũ trụ không còn là ‘hàng xa xỉ’ mà đang mang lại lợi ích thiết thực cho người dân bình thường với giá ngày càng rẻ”.