Hiểu đúng các quy định của luật là điều cần thiết đối với mỗi chủ đầu tư xây dựng công trình để bảo đảm tăng tính cạnh tranh, minh bạch trong đấu thầu.
Theo quy định tại Nghị định 59 (Điều 10 khoản 7 điểm b và Điều 30 khoản 2), trường hợp không đủ điều kiện thực hiện công tác thẩm định, cơ quan chuyên môn về xây dựng, người quyết định đầu tư được yêu cầu chủ đầu tư lựa chọn trực tiếp tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực phù hợp đã đăng ký công khai thông tin năng lực hoạt động xây dựng trên Trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng để chủ đầu tư ký kết hợp đồng thẩm tra phục vụ công tác thẩm định.
Liên quan đến quy định này, thời gian qua một số chủ đầu tư hiểu rằng theo quy định tại Nghị định 59, khi nhận được yêu cầu của cơ quan chuyên môn về xây dựng hoặc yêu cầu của người quyết định đầu tư thì chủ đầu tư được “Lựa chọn trực tiếp” tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện để thực hiện công tác thẩm tra.
Với quy định này, nhiều chủ đầu tư đã tự hiểu là mình có quyền lựa chọn bất kỳ tổ chức, cá nhân nào đó để thực hiện công tác thẩm tra mà không cần phải tuân thủ theo quy định của Luật Đấu thầu, miễn sao tổ chức, cá nhân được lựa chọn đáp ứng điều kiện về năng lực theo quy định của pháp luật về xây dựng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cách hiểu này là không đúng.
Theo quy định tại khoản 8 Điều 4 Luật Đấu thầu thì “thẩm tra” được xếp vào loại gói thầu dịch vụ tư vấn. Khi chủ đầu tư ký kết hợp đồng với tổ chức, cá nhân thực hiện công tác thẩm tra theo yêu cầu của cơ quan chuyên môn về xây dựng hoặc theo yêu cầu của người quyết định đầu tư thì lúc này tổ chức, cá nhân thực hiện công tác thẩm tra chính là Nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 1 Luật Đấu thầu thì hoạt động lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn của các dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn nhà nước (trong đó có vốn ngân sách nhà nước và vốn nhà nước ngoài ngân sách theo quy định của Luật xây dựng) thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.
“Việc lựa chọn Nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn thẩm tra là một hoạt động nằm trong quá trình chuẩn bị và thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình. Do đó, với các quy định nêu trên, trường hợp dự án sử dụng nguồn vốn nhà nước thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu thì chúng ta hoàn toàn có đủ cơ sở để khẳng định hoạt động lựa chọn tổ chức, cá nhân thực hiện công tác thẩm tra phải tuân thủ theo quy định của Luật Đấu thầu”, đại diện Cục Quản lý đấu thầu, Bộ KH&ĐT khẳng định.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 7 Luật Đấu thầu thì một trong các điều kiện để thực hiện lựa chọn nhà thầu là phải có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt. Theo đó, việc lựa chọn nhà thầu nói chung và việc lựa chọn nhà thầu tư vấn thẩm tra nói riêng theo yêu cầu của cơ quan chuyên môn về xây dựng hoặc theo yêu cầu của người quyết định đầu tư chỉ được thực hiện sau khi có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được duyệt.
Đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn thẩm tra có giá gói thầu không quá 500 triệu đồng, theo quy định tại khoản 2 Điều 56 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP thì chủ đầu tư có thể áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn. Khi đó, chủ đầu tư tiến hành lựa chọn một nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu để ký hợp đồng mà không cần phải phát hành hồ sơ yêu cầu (trong đó bao gồm yêu cầu về tư cách hợp lệ, năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật và tài chính, thương mại) để nhà thầu làm hồ sơ đề xuất như đối với hình thức chỉ định thầu theo quy trình thông thường.
Nói về việc hiểu chưa đúng quy định của Luật, ông Hoàng Cương, Phó trưởng phòng Chính sách, Cục Quản lý đấu thầu cho rằng, có lẽ do việc áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn rất đơn giản, mất ít thời gian, chủ đầu tư được phép lựa chọn ngay một nhà thầu đáp ứng năng lực, kinh nghiệm để ký hợp đồng mà không phải tiến hành thông báo mời thầu, phát hành hồ sơ mời thầu, đóng thầu, mở thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu… như đối với gói thầu phải tổ chức đấu thầu nên nhiều chủ đầu tư lầm tưởng việc “lựa chọn trực tiếp” theo quy định của Nghị định 59 là không phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về đấu thầu”.
Hiện, các quy định về lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu sử dụng nguồn vốn Nhà nước đã rõ ràng, mạch lạc và chặt chẽ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn xuất hiện tình trạng cố ý viện dẫn Luật không đúng để áp dụng sai của một số chủ đầu tư trong việc trực tiếp lựa chọn nhà thầu tư vấn thẩm tra theo yêu cầu của cơ quan chuyên môn về xây dựng hoặc theo yêu cầu của người quyết định đầu tư.
Việc làm này vô hình chung đã làm giảm tính cạnh tranh và minh bạch trong đấu thầu, nếu tiếp diễn có nguy cơ gây lãng phí ngân sách nhà nước.