Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Tăng Phúc: 'Người ta từng mời tôi đóng MV vì đẹp trai và giá rẻ'

Tăng Phúc cho biết thời còn chưa nổi tiếng, anh từng được chọn đi đóng MV vì đẹp trai và giá rẻ. Nam ca sĩ chỉ nhận cát-xê 500.000 đồng cho một ngày quay.

ca si tang phuc anh 1

Trò chuyện với Zing, Tăng Phúc tiết lộ ca khúc Chỉ là không cùng nhau là sản phẩm "hát cho vui" của anh và Trương Thảo Nhi. Nhưng chính lần "cho vui" ấy lại giúp nam ca sĩ có thành tích đứng đầu bảng xếp hạng #zingchart lần đầu tiên trong sự nghiệp.

Tới nay, Tăng Phúc đã có hai ca khúc viral mạnh trên mạng xã hội, đó là Đừng chờ anh nữaChỉ là không cùng nhau. Anh cũng tổ chức nhiều show diễn quy mô nhỏ mỗi năm, và vé của buổi diễn luôn ở trong tình trạng "cháy".

"Khán giả nhầm tôi với Kelvin Khánh"

- Suy nghĩ của anh sau 4 năm theo đuổi con đường âm nhạc nhưng vẫn chưa được coi là ca sĩ nổi tiếng?

- Nhiều nghệ sĩ hạng A cũng phải trải qua thăng trầm, thậm chí vất vả hơn tôi mới nổi tiếng được. Có người mất 5 năm, 10 năm, thậm chí tới mười mấy năm mới có được vị trí ngôi sao ca nhạc như hiện tại. Vậy nên, sau 4 năm, ngẫm lại tôi thấy mình có nhiều thứ rồi. Thậm chí, tôi còn được khán giả yêu mến hơn một số bạn ca sĩ đồng trang lứa.

Tôi cũng không buồn bã gì, bởi bản thân đã làm hết sức rồi. Nếu cứ phát hành sản phẩm mà ca khúc nào cũng không gây tiếng vang, thì chứng tỏ sản phẩm chưa đủ tốt, hoặc con đường tôi đi chưa đúng.

Nhìn lại thời mới đi hát, tôi cũng từng thử nhiều loại nhạc, có Rn’B, có pop/ballad, có cả những bài tưng tửng, vui vui. Rồi tôi phát hiện ra khán giả vẫn thích tôi hát ballad buồn nhất. Từ đó, tôi chuyển hướng theo dòng này, và bắt đầu tiếp cận được nhiều khán giả hơn.

ca si tang phuc anh 2

Tăng Phúc được chú ý sau bản hit nhạc Hoa lời Việt Chỉ là không cùng nhau. Ảnh: Bá Ngọc.

- Tức là anh quyết định kiên trì theo đuổi pop/ballad buồn vì biết khán giả chuộng dòng nhạc này. Nhưng việc này có thể sẽ khiến khán giả cho rằng anh nhàm chán, một màu?

- Sau Đừng chờ anh nữa, tôi ra Tìm nhau không?, Ước có người bên cạnh mỗi khi buồn... Đều là những ca khúc theo dòng nhạc khán giả thích tôi hát nhất. Nhưng tôi vẫn ra những ca khúc vui vui, phát theo mùa đấy chứ. Chẳng hạn, Tết mà vẫn phát hành nhạc buồn thì kỳ cục quá.

Có thể bản nhạc âm hưởng vui vẻ không tạo hiệu ứng tốt bằng nhạc buồn. Nhưng tôi vẫn phát hành, vì tôi hy vọng mỗi thời điểm trong cuộc sống, người hâm mộ của tôi luôn có âm nhạc của tôi đồng hành.

Đồng ý là pop/ballad là xu hướng âm nhạc được ưa chuộng nhất trên thị trường đấy, nhưng liệu giọng bạn có phù hợp không, hát có ra được "cái chất" khán giả có thích không? Có rất nhiều vấn đề kèm theo, nên không phải ai theo ballad cũng được chú ý.

Tôi tự tin theo đuổi dòng này, vì chính khán giả đã công nhận giọng hát của tôi rồi. Nhiều người bảo chỉ cần tôi cất tiếng hát là thấy buồn rồi, chưa cần biết tôi hát bài gì. Tôi nghĩ đây chính là lợi thế lớn nhất của bản thân.

- Anh không đề cập đến lợi thế vẻ ngoài điển trai sao, nhất là khi có rất nhiều khán giả chú ý anh vì ngoại hình ưa nhìn?

- So với người khác, tôi vẫn nghĩ mình không quá đẹp trai. Đôi khi ra đường, khán giả còn nhận nhầm tôi là anh Kelvin Khánh. Có những lần, các cô các bác khán giả kéo lại và hỏi: “Khánh ơi, My đâu con?” (cười). Tôi cũng không buồn, vì khán giả lớn tuổi chỉ nhớ chung chung dáng khuôn mặt thôi nên nhớ nhầm là chuyện bình thường.

Ngày xưa, tôi ra đường còn không ai nhìn tới, nói gì đến chuyện nhận nhầm hay không. Nhưng may là giờ cũng có người nhận ra tôi là Tăng Phúc rồi. Thật ra tôi không quá quan trọng chuyện này, tôi mong khán giả chỉ nhận ra khi mình đã trang điểm, mặc quần áo cẩn thận để bước lên sân khấu hơn. Ra đường mà ai cũng nhận ra mình, tôi cảm thấy không tự nhiên lắm.

- Có ý kiến cho rằng Tăng Phúc chưa phải là tên tuổi nổi bật trên thị trường, nhưng bằng một cách nào đó vẫn có lượng khán giả trung thành lấp kín ghế ngồi trong các show diễn. Anh nghĩ sao về nhận xét trên?

- Những người yêu thích tôi đều là người yêu tôi và giọng hát của tôi thật lòng. Họ đến và đồng hành với tôi trong thời gian dài, vì tôi có thể thỏa mãn nhu cầu về âm nhạc của họ. Có thể họ cũng nghe nhạc hot trên thị trường đấy, nhưng chỉ nghe vài ba lần rồi thôi. Còn nhạc của tôi có thể sẽ ít lượt nghe hơn các bản hit, nhưng ai đã nghe rồi thì sẽ thích và nghe đi nghe lại mãi.

Đến nay, tôi đi hát được 4 năm, mỗi năm tôi làm 1-2 show, nhưng quy mô show rất nhỏ, chỉ có vài trăm khách. Nhìn Hoàng Dũng hay anh Hà Anh Tuấn làm show lớn, tôi ngưỡng mộ lắm vì không biết bao giờ mình mới có thể làm đêm nhạc hoành tráng đến vậy.

Và may mắn là tôi còn được mời đi diễn đều, thậm chí có lúc chạy show hết tháng, ngày nào cũng đi. Thời điểm ca khúc Đừng chờ anh nữa mới viral trên mạng, có ngày tôi chạy 2-3 show. Dạo này bớt rồi, nhưng một tháng ít nhất cũng mười mấy, hai chục show.

"Tôi phải học anh Hà Anh Tuấn nhiều điều"

- Gây chú ý với "Chỉ là không cùng nhau", mức cát-xê và mật độ chạy show của anh hiện nay ra sao?

- Tôi vẫn giữ mức cát-xê bằng với thời điểm được chú ý nhờ Đừng chờ anh nữa. Tôi không thể nâng tiền cát-xê chỉ vì Chỉ là không cùng nhau được quan tâm. Tôi chuẩn bị ra album riêng, và tôi sẽ nâng cát-xê nếu album này thành công.

Tôi biết thế nào là đủ, với tầm cát-xê hiện tại tôi thấy mình đủ tiêu xài nên chưa có ý định tăng thêm. Tôi biết có nhiều người chỉ là ca sĩ cover mà báo mức giá khiến bầu show phát hoảng, bầu show quan ngại việc đó và nói họ là “ngáo giá”. Tôi không muốn mình bị nói như vậy. Thành công ở sản phẩm riêng thì tôi mới có quyền nâng cát-xê lên một chút để tương xứng với những gì đã bỏ ra.

- Anh ngại tăng tiền vì bản thân vẫn bị nhiều người gắn mác "Hoàng tử cover"?

- Thi thoảng khi trả lời phỏng vấn, tôi vẫn được hỏi tới vấn đề này. Tôi khẳng định bản thân rất vui vì từng được gọi là "hoàng tử cover", tôi không ngại ai nhắc lại biệt danh cũ. Đó là phần quá khứ giúp tôi có được vị trí ngày hôm nay, không việc gì phải chối bỏ.

Tôi còn nung nấu dự định mua tác quyền những ca khúc cũ của Việt Nam và remake. Dự án này có thể sẽ khiến nhiều người nghĩ tới Hà Anh Tuấn với See Sing & Share.

ca si tang phuc anh 5

Tăng Phúc muốn học hỏi, nhưng cũng sợ bị khán giả so sánh với Hà Anh Tuấn. Ảnh: Bá Ngọc.

Nhưng làm project cover nhạc cũ là chuyện rất phổ biến trên thế giới rồi, không phải chỉ một mình anh Tuấn làm. Đương nhiên, anh là người tiên phong ở Việt Nam, tôi phải học hỏi anh nhiều điều.

Tôi cũng sợ bị mọi người nói mình giống, và so sánh với anh Hà Anh Tuấn. Thực ra, điều gì hay và đẹp ở người đi trước, ca sĩ trẻ như tôi có thể học hỏi, nhưng tôi phải làm thế nào để có dấu ấn riêng, chứ không phải là bản sao kém chất lượng của một ai đó.

Nhạc của tôi trẻ hơn nhạc của anh Tuấn, tôi cũng không nói chuyện khéo như anh ấy. Nhiều lúc tôi cứ nghĩ mình phải học được cách nói chuyện hay và khéo như thế. Dù sao tôi mới đi hát, tôi cần những người thầy không chính thức như anh để học được cách hát như thế nào, diễn ra sao, trên sân khấu phải giao lưu thế nào...

- Tốt nghiệp đại học chuyên ngành khác, vì sao anh quyết định chuyển sang làm ca sĩ?

- Tốt nghiệp đại học xong, tôi đi làm văn phòng 3 năm. Tôi cũng nghĩ hay cả đời này mình chỉ cần, tối hát ở quán cafe, ban ngày đi làm bình thường. Nhưng tôi nhận ra mình đam mê quá, có những lần xin nghỉ làm buổi chiều để đi hát cho ban nhạc dù cát-xê chỉ 1-2 triệu đồng. Sau đó, tôi nghĩ là nếu bây giờ tôi không đi hát, thì khi nào mới đi được.

Với vài chục triệu tiền tiết kiệm, tôi quyết định nghỉ việc và tự cho bản thân 2 năm để đi hát. Nếu 2 năm sau sự nghiệp ca hát không tiến triển, thì quay về đi làm văn phòng. Tôi cũng tự tin lắm, tôi tin mình bỏ hát thì vẫn kiếm được việc làm.

Khi mới đi hát, mấy tháng đầu tiên, tôi cũng có show và kiếm được tiền. Tôi được chú ý nhờ clip liên khúc Vpop dài 12 phút, nhiều bầu show hẹn tôi đến và bảo tôi hát đúng liên khúc ấy, hát xong nhận tiền rồi về. Nhưng đâu thể chỉ có một bài mà người ta book show tôi mãi?

Khi không đi hát, tôi là phụ việc ở phòng thu, thu âm demo một ca khúc nhận 300.000 đồng. Tính ra, một tháng tôi thu âm đủ phần tiền nhà, nếu thu được nhiều bài hơn thì đóng được tiền điện nước.

Có thời gian tôi khá chật vật, không có tiền nên phải bán cây đàn piano của mình với giá 20 triệu đồng. Tôi hay gửi tiền về nhà, nhưng tháng đó tôi hết tiền thực sự, nên phải bán đàn đi để gửi tiền cho cha mẹ, giả vờ như mình vẫn ổn.

Có lẽ Tổ nghề thấy tôi nỗ lực, dám đầu tư tất cả cho ca hát nên thương. Từ lần quyết định bán đàn tới nay, may mắn chưa tháng nào tôi ế show (cười).

- Nhưng trước đó anh vẫn có nghề người mẫu, được mời đi đóng MV ca nhạc để kiếm thêm?

- Tôi được người ta mời đóng MV có lẽ vì đẹp trai và... giá rẻ (cười lớn). Cát-xê đóng MV của tôi chỉ có 500.000 thôi nhưng vẫn đi đóng vì đam mê. Có lẽ chẳng ai dại mà đi quay từ sáng sớm đến tối mịt với mức giá này, nhưng tôi thích lắm, vẫn đi vì được làm việc liên quan đến nghệ thuật, cũng coi như được thêm tiếng thơm.

Khi đi làm văn phòng, chỉ cần được làm gì dính dáng một chút đến nghệ thuật là tôi đã vui lắm rồi. Nhưng bây giờ tôi không dám đóng MV nữa, kể cả MV của chính mình, vì tôi diễn dở lắm.

ca si tang phuc anh 6

Giọng ca 28 tuổi quyết định không tăng cát-xê dù được chú ý với ca khúc song ca cùng Trương Thảo Nhi. Ảnh: Bá Ngọc.

Trương Thảo Nhi: '7 năm qua, tôi vẫn sống nhờ Bốn chữ lắm'

Chia sẻ với Zing, nữ ca sĩ sinh năm 1992 cho biết cô vẫn đi diễn và kiếm tiền bằng bản hit "Bốn chữ lắm".

Nghiêm Ngọc

Bạn có thể quan tâm