Theo báo cáo của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), nhập khẩu điện từ Trung Quốc và Lào được đề cập tới như là một trong số nhiều giải pháp đáp ứng nhu cầu điện của Việt Nam thời gian tới.
Tăng nhập khẩu điện lên 3,6 tỷ kWh/năm từ 2021
Trước đó ngày 30/5, Bộ Công Thương đã có báo cáo gửi Thủ tướng liên quan đến việc nhập khẩu điện từ Trung Quốc giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể, giai đoạn 2021-2022: Mở rộng hợp đồng mua bán điện hiện hữu (sẽ hết hạn vào năm 2020) để tiếp tục nhập khẩu qua các đường dây liên kết 220 kV, điều khoản về giá điện giữ nguyên như hợp đồng mua bán điện hiện nay, bao gồm cả công thức điều chỉnh giá điện hàng năm.
EVN đã đàm phán với Công ty lưới điện phương Nam Trung Quốc để tăng cường nhập khẩu điện Trung Quốc. Ảnh minh họa. |
Giai đoạn 2023-2025: Nâng tổng công suất nhập tại Lào Cai và Hà Giang lên 2.000 MW, sản lượng 7-9 tỷ kWh/năm. Để nhập khẩu với mục tiêu này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đề xuất chủ trương tăng nhập khẩu điện từ Trung Quốc thông qua các trạm chuyển đổi back - to back 220 kV tại Lào Cai và Hà Giang và bổ sung các công trình lưới điện.
Giai đoạn sau 2025: EVN sẽ tiếp tục nghiên cứu, trao đổi với Công ty Lưới điện Phương Nam Trung Quốc về phương án nhập khẩu ở cấp điện áp 500 kV tại Lào Cai và báo cáo các cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.
Đến nay, EVN đã đàm phán với Công ty Lưới điện Phương Nam Trung Quốc về các giải pháp liên kết để tăng cường nhập khẩu điện Trung Quốc. Theo báo cáo, EVN sẽ mở rộng hợp đồng mua bán điện hiện hữu để tăng nhập khẩu điện lên 3,6 tỷ kWh/năm từ 2021 với giá điện giữ nguyên như hợp đồng hiện nay.
Thực hiện liên kết qua các trạm chuyển đổi back - to back tại Lào Cai, Hà Giang để tăng nhập khẩu điện Trung Quốc lên xấp xỉ 9 tỷ kWh/năm từ năm 2023. Với phương án này, phía Công ty Lưới điện Phương Nam Trung Quốc đầu tư 2 trạm back - to back 220kV công suất 1.000 MW/trạm gần biên giới, phía Việt Nam đầu tư thêm một số công trình lưới điện 220 kV để tăng khả năng tiếp nhận.
Giá nhập khẩu cạnh tranh
Với giải pháp nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nêu rõ có thể thực hiện ngay để tăng công suất và sản lượng điện từ năm 2021, giải quyết được một phần tình trạng thiếu điện thời gian tới.
Về mặt giá cả, theo báo cáo, giá mua điện Trung Quốc cạnh tranh hơn so với khung giá mua điện từ Lào và thấp hơn mức giá trung bình các nhà máy nhiệt điện than hiện nay (trên 7 cent/kWh).
Cụ thể, mức giá điện nhập khẩu là 6,86 cent/kWh, tương ứng với tỷ giá 1 USD = 6,53 nhân dân tệ và sẽ điều chỉnh theo tỷ giá giữa USD và nhân dân tệ từng năm.
Liên quan tới việc nhập khẩu điện từ Lào, EVN đã đàm phán, ký biên bản ghi nhớ với một số nhà đầu tư các dự án nguồn tại tại Lào bán điện về Việt Nam. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên một số dự án nguồn điện tại Lào chưa thể triển khai nên việc đàm phán tạm dừng. Đó là nhiệt điện Xê Kông 2 (900 MW), nhiệt điện Khăm Muộn 1.800 MW,… Trong đó, dự án nhiệt điện Xê Kông 1 đã được EVN nghiên cứu, báo cáo Bộ Công Thương chủ trương nhập khẩu và phương án liên kết.
Hiện nay, EVN đang tiếp tục phối hợp với các nhà đầu tư nghiên cứu phương án nhập khẩu điện từ Lào.
Cụ thể, cụm nhà máy thủy điện Nậm Sum 256 MW đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương và bổ sung quy hoạch các công trình lưới điện liên kết. EVN đang tiếp tục đàm phán với chủ đầu tư về giá điện vì giá nhà đầu tư chào đang cao hơn so với khung giá mua điện được Thủ tướng phê duyệt.
Cụm nhà máy thủy điện Nậm Kong 280 MW, Nậm E-Moun 129 MW, EVN đã báo cáo Bộ Công Thương về chủ trương nhập khẩu điện và phương án liên kết đấu nối về Việt Nam. Tuy nhiên, chủ đầu tư các dự án thủy điện Xekaman 1 và 3 không chấp thuận đấu nối chung vào các đường dây liên kết 220 kV hiện hữu. Vì vậy, EVN đã phối hợp chủ đầu tư đề xuất phương án đấu nối mới và trình lại Bộ Công Thương.