Ba người làm nghề giết mổ bò trong lò mổ Shibaura ở thành phố Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: BBC |
Nhật Bản nổi tiếng bởi xã hội đồng nhất và gần như hài hòa. Rất ít người ngoại quốc sống ở xứ hoa anh đào, còn sự khác biệt về ngôn ngữ khá hiếm và sự phân biệt giai cấp hầu như không tồn tại trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng Mike Sunda, một phóng viên BBC, phát hiện một tầng lớp đang tồn tại một cách bí mật ở Nhật Bản. Công chúng gọi họ là “tiện dân”.
Chồng thư với những lời lẽ thậm tệ nằm trên chiếc bàn trong góc của một căn phòng cổ xưa trong chợ thịt Shibaura ở thành phố Tokyo – bằng chứng cho thấy một thành kiến từ thời trung cổ.
Đồ tể là một trong những nghề “không sạch sẽ” hay "ti tiện" đối với xã hội Nhật Bản. Thành kiến đó vẫn tiếp tục tồn tại tới tận ngày nay, đặc biệt đối với những người làm việc trong lò mổ của chợ Shibaura.
Shibaura là nơi cung cấp thịt bò wagyu nổi tiếng. Nhưng dư luận chẳng quan tâm tới việc những người đàn ông trong lò mổ Shibaura giết và xẻ thịt của một trong những động vật đắt nhất hành tinh.
Quá trình chế biến thịt bò wagyu đòi hỏi sự khéo léo cực cao, quá trình học hỏi lâu dài và thần kinh thép. Chính vì thế mà những người thợ chỉ có thể thạo việc sau khoảng một thập kỷ. Dù tự hào về khả năng, nhiều đồ tể không bao giờ nói một cách thoải mái về nghề.
“Khi người dân hỏi chúng tôi về công việc, chúng tôi luôn do dự vì không biết nên trả lời thế nào”, Yuki Miyazaki, một đồ tể, nói.
Yuki nói rằng các đồ tể luôn giấu nghề vì họ không muốn người thân tổn thương.
“Nếu chúng tôi đối mặt với thái độ phân biệt đối xử, chúng tôi có thể tự giải quyết. Song nếu những đứa con của chúng tôi rơi vào hoàn cảnh tương tự, chúng không thể phản kháng. Chúng tôi phải bảo vệ con”, ông giải thích.
Giống như nhiều đồ tể khác, Yuki có mối liên hệ với Burakumin, tầng lớp “tiện dân" trong xã hội Nhật Bản.
Burakumin là thuật ngữ ra đời từ thời phong kiến. Ban đầu nó ám chỉ những cộng đồng người làm những nghề “không sạch sẽ” hay “tàn nhẫn” – như đao phủ, người bán thịt hay đồ tể.
Eta (rác rưởi) là biệt danh công chúng Nhật dành cho những người thuộc hàng thấp nhất trong Burakumin. Các võ sĩ Samurai có thể giết những người Eta nếu họ phạm tội. Một quan tòa sống trong thời kỳ giữa thế kỷ 19 từng tuyên bố “một người Eta chỉ đáng giá bằng 1/7 người bình thường”.
Mặc dù Eta là từ mang tính xúc phạm, người dân Nhật Bản vẫn sử dụng nó tới tận ngày nay.
Hệ thống đẳng cấp trong xã hội Nhật Bản biến mất cùng chế độ phong kiến, song những rào cản đối với sự hội nhập xã hội của những tầng lớp thấp kém vẫn tồn tại. Những cộng đồng Burakumin tồn tại khắp nơi trên đất nước Nhật Bản.