Tăng huy động gấp 10 cho vay, ngân hàng vẫn đua gom vốn
Tăng trưởng huy động tám tháng đầu năm gấp 10 lần cho vay nhưng nhiều ngân hàng (NH) vẫn đẩy mạnh huy động vốn bằng nhiều hình thức, kể cả chi riêng cho người gửi tiền.
Từ cuối tháng 8/2012, lãi suất (LS) huy động tại một số NH nhỏ có dấu hiệu nóng lên khi tăng thêm 0,5-1%/năm so với đầu tháng 8. Chị Vinh (Q.Gò Vấp, TP.HCM) gửi tiền tại chi nhánh một NH có trụ sở ở Q.5 cho biết vừa đáo hạn sổ tiết kiệm, nhân viên NH thông báo LS huy động tăng thêm 0,5%, lên mức 12,5%/năm. Phần chênh lệch 3,5% được chi bằng tiền mặt trực tiếp cho khách hàng khi đáo hạn. Trong khi đó nhiều người gửi tiền khác cho biết cũng được một số NH “mời” đến gửi với LS 11%/năm kỳ hạn 1 tháng.
Ê vốn nhưng nhiều ngân hàng vẫn đua nhau huy động từ dân cư |
Lãi suất cho vay giảm chậm
Số liệu NH Nhà nước cung cấp gần đây cho thấy đà giảm LS của các NH đang chựng lại. Tính đến ngày 30-8, thông tin từ 69 tổ chức tín dụng chiếm 90% thị trường cho thấy trong nửa cuối tháng 8, LS cho vay giảm rất chậm. Từ ngày 16 đến 30/8, tỉ trọng khoản vay có LS trên 15% chỉ giảm 1,9%, còn 22,7%. Trong đó, LS cho vay giảm mạnh nhất ở nhóm năm NH thương mại nhà nước. Tỉ trọng dư nợ cho vay với mức LS trên 15%/năm của nhóm này chỉ còn 5,8%. Hiện mức LS cho vay trên 13%/năm đến 15%/năm chiếm tỉ trọng 49,7% tổng dư nợ cho vay, LS từ 10%/năm đến 13%/năm chiếm tỉ trọng 20,1%, dư nợ cho vay bằng VND có mức LS dưới 10% chỉ chiếm 5,4%. |
Một số NH triển khai chương trình huy động kỳ hạn dài với LS 12%/năm nhưng cho khách hàng thoải mái rút trước hạn. Khi rút trước hạn, khách hàng chỉ cần làm hợp đồng vay lại NH, thời gian vay bằng với thời gian còn lại trên sổ tiết kiệm, LS vay bằng LS huy động của NH.
Cuộc đua LS càng ngày càng quyết liệt. Nhiều NH còn tung ra chương trình cào trúng ngay, theo đó với mức gửi khoảng vài chục triệu đồng có cơ hội cào trúng tiền mặt, vàng hoặc quà tặng. Ngoài ra, khách hàng còn có cơ hội quay số cuối chương trình trúng nhà hoặc xe hơi.
Tổng giám đốc một NH có trụ sở tại Q.1 thừa nhận đà tăng của giá vàng gần đây khiến việc huy động vốn chựng lại. “Vàng tăng theo chiều thẳng đứng, do vậy đầu tư vào vàng thời gian qua lãi gấp nhiều lần so với gửi tiền NH” - vị tổng giám đốc này nói.
Đáng lưu ý, dù NH đẩy mạnh huy động nhưng nghịch lý là tín dụng tăng chậm. Số liệu Bộ Kế hoạch - đầu tư công bố cho thấy đến ngày 20/8 tăng trưởng tín dụng đạt 1,4% thì tổng số dư tiền gửi tại các NH đã tăng 11,23%. Tổng phương tiện thanh toán ước tăng 10,3% so với ngày 31/12/2011.
Ông Phạm Linh, Phó tổng giám đốc NH Phương Đông (OCB), cho biết từ ngày 1/9 thông tư 21 của NH Nhà nước vừa có hiệu lực siết chặt việc cho vay liên NH, do vậy các NH gặp khó khăn về vốn không thể nhờ cậy vào thị trường liên NH nhiều như trước buộc phải đẩy mạnh huy động vốn trên thị trường dân cư.
Theo ông Nguyễn Hữu Đặng - Tổng giám đốc HDBank, việc NH đẩy mạnh huy động vốn còn có tính chu kỳ. Cuối năm nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh tăng, người dân cũng có nhu cầu rút tiền tiết kiệm để chi xài. Do vậy NH phải đẩy mạnh huy động để đề phòng rủi ro thanh khoản.
Một số NH khác cho rằng một số NH có tỉ lệ cho vay cao trên tổng nguồn vốn huy động, hoặc sử dụng vốn thị trường 2 cho vay, hiện nay nguồn vốn thị trường liên NH không còn dồi dào. Chưa kể một số NH trước đây là nguồn cung cấp vốn cho thị trường liên NH nay đáo hạn đã thu hồi về để “thủ” thanh khoản.
Về chênh lệch giữa tăng trưởng huy động và cho vay, phó tổng giám đốc một NH quốc doanh cho biết một số NH dùng số tiền huy động từ dân cư để đầu tư vào trái phiếu chính phủ, trái phiếu kho bạc để dự trữ thanh khoản. Theo ông này, trong bối cảnh hiện nay NH không dám đẩy mạnh cho vay bằng mọi giá.
Trả bớt nợ mới giảm LS
Cuộc đua LS huy động đã ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu giảm LS cho vay theo định hướng của NH Nhà nước. Bà A.L., giám đốc công ty chuyên sản xuất ván lót sàn KB, cho biết sau hơn hai tháng có chỉ đạo của NH Nhà nước trong việc giảm LS cho vay với các khoản vay cũ, đến nay công ty vẫn chưa thể đáp ứng các quy định ngặt nghèo của NH. Khoản vay cũ hơn 15 tỉ đồng với LS bình quân 19,5%/năm được đích thân bà A.L. đến NH làm việc xin được hạ LS cho vay xuống 15%/năm. Tuy nhiên, điều kiện phía NH đặt ra muốn được giảm LS về dưới 15%/năm thì công ty phải trả tối thiểu 25-30% số nợ cũ.
“Đã nói là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mà đi kèm điều kiện như thế thì đâu thể nào gọi là giúp được. Nếu nguồn vốn thoải mái thì đâu ai phải đến xin hạ LS. Đây thật sự là một vòng luẩn quẩn không thể giải quyết dứt điểm được” - bà A.L. nói.
Ông Vũ Đình Phương, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Quạt VN, cũng xác nhận không hề được giảm LS cho các khoản vay cũ như yêu cầu của NH Nhà nước. “Tôi vẫn phải trả LS cho vay hơn 18%/năm cho khoản vay vốn lưu động gần 15 tỉ đồng ở một NH cổ phần. Và để được hưởng LS 14%/năm ở một NH khác, tôi buộc phải thanh toán tiền đã vay ở NH cũ, sau đó qua NH mới để vay thì mới được hưởng LS mới. Còn NH cũ, khi tôi đặt vấn đề vay lại sau khi đáo hạn, LS vẫn trên 15%/năm” - ông Phương nói. Ông Phương mong muốn được giảm lãi vay để giảm được tiền lãi phải trả cho NH, đồng thời có động lực tổ chức và phát triển lại sản xuất, chứ không còn muốn buông xuôi co cụm như hiện nay.
Giám đốc DNTN văn phòng phẩm Quyky Trần Ngành cho biết từ giữa tháng 6-2012, ông đã tự “thu xếp” xong các khoản vay cần phải trả cho NH, “kiên quyết không vay mới vì với sức mua quá yếu ở thị trường hiện nay, tôi không lấy gì bảo đảm cho kế hoạch phát triển sản xuất của mình sẽ thuận lợi” - ông Ngành cho hay.
Theo Tuổi trẻ