Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề phiên họp Quốc hội chiều 22/5, đại biểu Trần Du Lịch (Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM) nói, chúng tôi từng đặt vấn đề là sử dụng thuế môi trường như thế nào, mục đích gì thì phải tách bạch ra. Tôi được biết các nhà phân phối xăng nội địa kêu ca về vấn đề dự trữ, vậy thì phải rạch ròi.
Có ý kiến cho rằng, với thuế môi trường thì những tàu cá đánh bắt ngoài biển đâu có hại gì nhiều đến môi trường so với phương tiện trên đất liền, người ta vẫn phải chịu. Những cái đó phải tính toán hết lại.
Rõ ràng vừa rồi điều chỉnh giá không phải do biến động giá thế giới, mà vấn đề tăng thuế môi trường từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng (trên mỗi lít xăng - PV). Vấn đề đặt ra là sử dụng thuế này như thế nào, phải minh bạch ra.
- Cơ quan chức năng cho rằng, tăng thuế môi trường không ảnh hưởng đến giá bán lẻ, trong khi một số chuyên gia tính toán thấy rằng có ảnh hưởng. Vậy quan điểm của ông như thế nào?
- Tôi đề nghị làm rõ hai vấn đề. Thứ nhất là cơ sở nâng mức thuế môi trường từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng. Thứ hai là mức 3.000 đồng thu thế nào, sử dụng ra sao? Chắc chắn lần này trong thảo luận về kinh tế - xã hội sẽ có ý kiến nêu vấn đề này.
Dĩ nhiên trong vấn đề thu thuế này cũng có yêu cầu không để chênh lệch giá giữa ta với các nước bên cạnh, tạo ra tình trạng buôn lậu. Nhưng tôi nghĩ, gốc vấn đề đã là thuế thì phải sử dụng đúng mục đích, không nên đem bù đắp do giảm thuế nhập khẩu.
Đại biểu Trần Du Lịch trả lời Tuổi Trẻ bên lề phiên họp chiều 22/5. |
- Trong khi diễn biến giá xăng dầu như vừa qua, theo công bố kết quả kinh doanh quý I/2015, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã có mức lợi nhuận 461 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lợi nhuận của quý I/2014 (chỉ khoảng 255 tỷ), thưa ông?
- Đối với doanh nghiệp thì có lúc họ lỗ, ta phải tính cả vấn đề an toàn dự trữ thương mại mà doanh nghiệp phải chịu. Hiện nay, Petrolimex chiếm khoảng 50% thị phần, và kinh doanh xăng dầu thì vốn rất lớn để đáp ứng về dự trữ, kho chứa...
Theo tôi, đã đến lúc cần tính toán tổng thể liên quan đến mạng phân phối nội địa, làm sao xây dựng mạng phân phối nội địa có tính cạnh tranh, bình đẳng, minh bạch, và để người tiêu dùng thật sự có lựa chọn. Nghĩa là phải có thị trường cạnh tranh mới giải quyết được vấn đề một cách căn cơ.
Hiện nay Nhà nước còn can thiệp quá nhiều. Chúng ta đã ban hành mấy lần nghị định rồi, nhưng chưa thoát ra được. Kinh tế thị trường mà Nhà nước còn can thiệp quá nhiều trong một số loại giá, khi có biến động thay đổi giá thì người dân lại quy trách nhiệm Nhà nước.
Ở các nước, ví dụ có thể là hai cây xăng giá khác nhau, người tiêu dùng sẽ lựa chọn. Dĩ nhiên phải chống độc quyền, đặc biệt là mạng phân phối nội địa. Hiện nay chúng ta có hơn 10.000 cây xăng, 21 đầu mối có quyền nhập xăng dầu, nhưng thực chất theo tôi biết chỉ có 7-8 đầu mối có tỷ trọng đáng kể, phải làm sao mở rộng để có sự cạnh tranh. Nhà nước đóng vai trò quan trọng nhất là chống độc quyền, quản lý cạnh tranh bình đẳng thì chúng ta mới giải quyết được vấn đề, không nên can thiệp nhiều.
- Theo ông, Quốc hội có nên giám sát chuyên đề về giá xăng dầu?
- Có thể là Quốc hội hoặc các ủy ban chuyên trách, tôi nghĩ giám sát hoặc một hình thức nào đó lúc này là cần thiết.