Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã được điều chỉnh tổng cộng 5 lần (trong đó 2 lần giảm và 3 lần tăng). Với mức tăng 1.200 đồng/lít do Liên Bộ Công Thương - Tài chính vừa công bố ngày 20/5, tổng mức tăng giá xăng từ đầu năm đến nay lên gần 5.000 đồng/lít.
Việc liên tiếp điều chỉnh giá xăng dầu trong bối cảnh điện, nước sạch cũng mới được điều chỉnh tăng trong thời gian gần đây khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng. Doanh nghiệp sản xuất đang tính toán việc tăng giá sản phẩm hàng hóa để tránh việc kinh doanh không có lợi nhuận.
Quyết định điều chỉnh giá xăng lần này đã nhận được nhiều ý kiến phản ứng từ người dân, đa số không đồng tình. Nhiều người cho rằng, trong một năm mà giá xăng liên tiếp điều chỉnh nhưng giảm nhỏ giọt, tăng thì nhiều.
Giá xăng vừa tăng thêm 1.200 đồng/lít từ tối 20/5. |
Chị Nguyễn Thị Hoa (ở quận Tây Hồ) và anh Đào Đức Thành (ở huyện Đông Anh) Hà Nội chia sẻ: “Xăng vừa xuống được vài hôm lại tăng. Giá cả xăng dầu lên tất cả mọi thứ chạy theo, người tiêu dùng phải chịu hết”.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và phân phối hàng hóa cho rằng, mức tăng giá xăng dầu lần này sẽ tác động gián tiếp đến chi phí đầu vào. Khi đó, để đảm bảo kinh doanh lợi nhuận, doanh nghiệp buộc phải đẩy giá thành sản xuất lên.
Ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Biggreen Việt Nam chia sẻ, các sản phẩm hoa quả của công ty chủ yếu vận chuyển từ TP HCM ra Hà Nội. Vì vậy, giá xăng dầu tăng sẽ làm chi phí vận chuyển, phân phối, tăng theo. Doanh nghiệp đang tính tới việc tăng giá sản phẩm thêm 3-5% bởi xăng tăng sẽ tạo ra khó khăn trong việc bán hàng, giảm lợi nhuận.
Theo các chuyên gia kinh tế, giá xăng tăng mạnh do sự phục hồi nhanh của giá xăng dầu thế giới, cùng với việc nhiên liệu trong nước phải chịu nhiều mức thuế và các loại phí. Bên cạnh đó, thuế môi trường tăng quá cao (300%) cũng là một yếu tố đẩy giá xăng lên cao. Cuối cùng, người tiêu dùng sẽ phải chịu thiệt.
Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải nâng cao khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, việc giá xăng tăng như hiện nay sẽ dẫn tới chi phí đầu vào tăng cao, gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, làm giá thành sản phẩm tăng lên. Việc tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước cũng bị hạn chế.
Ông Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, giá xăng dầu tăng phải dựa vào giá thế giới, cung - cầu trong nước và phải tuân thủ theo cơ chế thị trường. Theo ông, giá chỉ có thể hợp lý khi diễn biến của giá xăng dầu được dự báo để điều chỉnh thuế, phí, quỹ bình ổn một cách linh hoạt.
Cũng theo ông, điều hành giá xăng phải đảm bảo hài hòa lợi ích của các đối tượng trên thị trường là Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nhà nước phải thu một mức thuế hợp lý, có mức độ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có lãi và đồng thời để người tiêu dùng được hưởng lợi.
3 lần tăng giá xăng trong năm nay chắc chắn tác động không nhỏ tới việc hình thành mặt bằng giá chung, đẩy CPI tăng cao hơn. Để đảm bảo lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân, các cơ quan quản lý cần theo dõi sát diễn biến thị trường. Quan trọng hơn cả, theo chuyên gia, là phải công khai, minh bạch cách điều hành mặt hàng vốn rất nhạy cảm như xăng dầu.