Tăng giá 'khủng' trước cuộc thi pháo hoa quốc tế Đà Nẵng
Còn gần hai tháng nữa mới đến Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFC) 2012, nhưng thời gian này hầu hết khách sạn (KS) có sao ở Đà Nẵng đều đã hết phòng.
>> Đà Nẵng thăng hoa dưới ánh pháo hoa
Do DIFC 2012 đúng vào dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 và thời điểm sắp bước vào mùa hè nên các KS ở ven sông Hàn lẫn ven biển lại càng “nóng” và bị “chặt chém” gắt gao hơn bao giờ hết. Không chỉ thế, vào mùa pháo hoa, thường hay xảy ra tình trạng một số công ty du lịch đặt phòng để gần đến giờ “G” thì bán lại hoặc “găm phòng” để gần đến thời điểm khai hội mới tung ra lấy giá cao. Đây là những cách làm ăn làm tổn hại đến thương hiệu du lịch Đà Nẵng.
Giá cao ngất ngưởng
Trong vai người đi đặt phòng, chúng tôi tiếp cận KS Varna (đường Trần Hưng Đạo), một trong những KS có địa thế được xem là đẹp nhất trong mùa bắn pháo hoa. Đẹp bởi KS này nằm ở gần khu vực khán đài A-B, rất tiện trong việc đi lại xem pháo hoa và trực tiếp xem tại chỗ. Bởi thế, tuy KS hạng vừa, nhưng vào mùa pháo hoa thì giá ở trên... đỉnh. Khách đặt phòng phải chịu mức giá 8 triệu đồng/phòng/3 đêm thì mới cho thuê. Trong đó, đêm trước hoặc sau hai đêm bắn pháo hoa thì giá 1 triệu/phòng/đêm, nhưng trong hai ngày đêm bắn pháo hoa (29 - 30/4) thì giá 3,5 triệu đồng mỗi đêm. Trong khi đó giá ngày thường của KS này khoảng 500 - 700.000 đồng/phòng. Và khách muốn đặt phòng thì phải trả trước 50% giá thành. Một kiểu nâng giá bất thường ép (bán 3 đêm) “thượng đế” quá mức.
Ngoài ra, KS còn mở dịch vụ xem pháo hoa để phát huy hết công suất “địa lợi” của mình. KS này dành 6-8 phòng VIP của mình để mở tiệc xem pháo hoa, mỗi suất 800.000 đồng/người và chỉ xem pháo hoa ở trên tầng thượng cũng có giá 250.000 đồng/người. Người xem cũng phải đặt trước chứ không thì cháy vé.
Tương tự, KS Danang Riversive (đường Trần Hưng Đạo), tuy cách khu vực khán đài khoảng 1 km nhưng lợi thế 3 sao, cao tầng và thiết kế sang trọng nằm ven sông Hàn nên KS này lấy giá đắt đỏ. Phòng ở KS này có 2 loại giá, phòng căn hộ và phòng VIP giá 12,5 triệu đồng/phòng/3 đêm (hai đêm bắn pháo hoa và một đêm trước hoặc sau), phòng thường giá 7 triệu đồng/phòng/3 đêm. Khách phải trả đủ 100% tiền phòng thì mới hợp đồng, còn không thì cũng chẳng níu kéo. Khi chúng tôi cho rằng giá cao thì anh Tuấn, người phụ trách phòng kinh doanh nói rằng, có thêm cả buffet để xem pháo hoa nên giá không cao lắm...
Những ngày qua, tìm hiểu chung thị trường KS ở Đà Nẵng cho thấy, hầu hết khách sạn có sao, có lợi thế ven sông Hàn, gần điểm bắn pháo hoa, cạnh biển hầu hết đã cháy phòng và không ít KS giá phòng thì vượt cao hơn so với mức quy định của UBND TP. Đà Nẵng (không quá 30% so với giá ngày thường). Thậm chí những KS ở xa, không có những lợi thế trên cũng ăn theo nâng giá, làm khách phương xa đặt phòng méo mặt, đi mà không vui, không thoải mái lắm. Nhiều người cũng ngại, thích xem pháo hoa nhưng không dám đến Đà Nẵng vào dịp này...
Không chỉ giá phòng, mà các nhà hàng khách sạn bên sông Hàn dành mở tiệc xem pháo hoa giá cũng “nước nổi bèo nổi”, cao ngất ngưởng. Như nhà hàng Memory, một trong những địa điểm đẹp nằm sát cầu sông Hàn, giá tiệc buffet không mềm chút nào. Nhà hàng này có 3 tầng, trong đó tầng 1 giá 800.000 đồng/suất buffet và tầng 2, 3 thì 1.500.000 đồng/suất (có ca nhạc, nhưng chỉ một đơn vị nước uống). Tuy với giá cao như vậy, nhưng nếu khách nào không nhanh chân thì hết chỗ.
Đi tìm nguyên nhân
Ông Cao Trí Dũng, Phó TGĐ Vitours cho rằng, sở dĩ giá phòng KS, nhà nghỉ thời điểm này ở Đà Nẵng “cháy” và cao ngất ngưởng như vậy, là do việc “dồn đống” các chuỗi lợi thế - 3 trong 1. Mùa hè, phố biển Đà Nẵng đã vốn đông khách, hơn nữa dịp 30/4, 1/5 nghỉ lễ dài ngày nên thành phố nằm ven bờ sông Hàn luôn được du khách ưu tiên lựa chọn, nghỉ dưỡng, lại thêm lễ hội pháo hoa vào dịp này nên khách thập phương dồn tụ về Đà Nẵng.
“Điều này hết sức phí”, ông Dũng khẳng định. Theo ông Dũng, nên tổ chức vào một dịp khác như 19/5, 2/9 (nếu sợ trời mưa vào dịp 29/3, ngày giải phóng Đà Nẵng) thì vừa tiện cho việc dãn khách, phát huy lợi thế kinh doanh và tiện lợi cho nhà tổ chức lễ hội pháo hoa, tránh những “bức xúc” không đáng có.
Còn không ít chủ KS đã thẳng thừng nói tại cuộc họp báo ký kết tài trợ, rằng lễ hội pháo hoa đã “cướp” mất cơ hội kinh doanh của họ nên việc nâng giá phòng nghỉ, dịch vụ là điều khó tránh khỏi.
Ngoài những nguyên nhân trên, một thực tế cho thấy, ngoài một số KS, nhà nghỉ “găm” phòng để lấy giá cao, khi gần đến thời điểm lễ hội thì không ít công ty lữ hành (thường là tư nhân nhỏ lẻ) đầu cơ - đặt phòng trước sau đó gần đến giờ “G” mới bán lại. Điều này, chủ KS biết mà cũng đành chịu, còn nhà quản lý thì khó có biện pháp chế tài và cuối cùng là du khách phải gánh giá “cắt cổ”.
Một nguyên nhân từ phía chủ quan của các chủ KS, nhà nghỉ nữa là, họ nắm được “thóp” khi các nhà quản lý đi kiểm tra thì dường như việc đặt phòng đâu đã vào đấy. Nếu có bị phạt thì cũng chẳng thấm vào đâu so với khoản lợi nhuận béo bở, kếch xù mà họ đã bỏ vào túi trước đó. Còn việc trừ tiền cho khách thì ai có thể ngày ngày kiểm soát hết?
Theo CA TPHCM