Khảo sát này do báo Bưu Điện Việt Nam và GfK tổ chức thực hiện.
Theo kết quả khảo sát, chỉ có 8% không chấp nhận tăng giá, 82% vẫn duy trì dịch vụ nếu mức tăng dưới 5%. Trong trường hợp mức tăng vượt trên 10%, có tới 47% người tiêu dùng sẽ đổi qua nhà cung cấp khác.
576 người được khảo sát là quá ít
Chỉ có 576 người ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM được khảo sát trong cuộc nghiên cứu này.
Bạn Hoàng Vinh phân tích: “Khảo sát với con số như thế này thì không nói lên được điều gì vì VN có hàng triệu thuê bao". Bạn đọc Võ Thành Trung bức xúc: “Mình đang dùng 3G với mức cước trọn gói 70.000 đồng/tháng và rất không hài lòng với chất lượng dịch vụ”.
Tăng giá cước 3G: có đúng 92% người đồng ý? |
Theo chia sẻ từ một chuyên gia xã hội học (khoa xã hội học Trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP HCM) với Tuổi Trẻ, con số 576 người là quá ít so với quy mô đô thị của 3 thành phố.
Vị chuyên gia này cho biết tâm lý người tiêu dùng sẽ không bao giờ chấp nhận chuyện tăng giá bất kỳ một loại sản phẩm, dịch vụ nào. Việc thực hiện khảo sát trung bình mỗi thành phố chưa đến 200 bảng hỏi thì không thể mang tính đại diện. Chọn mẫu ngẫu nhiên số lượng càng lớn thì độ tin cậy càng cao, thực hiện ở đô thị thì kết quả chỉ có thể đại diện cho đô thị.
Kín đáo bắt tay nhau tăng giá?
Theo chuyên gia kinh tế - tiến sĩ (TS) Ngô Trí Long, tính chung thị phần 3G của 3 nhà mạng Viettel, MobiFone, Vinaphone là gần 98%.
“Chính vị thế thống lĩnh thị trường này khiến các nhà mạng dễ dàng quyết định điều chỉnh giá, tăng giá vì khi cùng quyền lợi thì việc kín đáo bắt tay nhau tăng giá là rất dễ dàng. Cơ quan quản lý nhà nước phải định giá trần, phải kiểm soát chặt chẽ chứ nếu cứ nói viễn thông 3G rẻ nhất thế giới thì cũng chưa chính xác”, ông Long nói.
TS Long nhấn mạnh: “Cần phải xem xét khảo sát được thực hiện trên đối tượng nào? Cụ thể là ai?”.
Theo TS Long, giá cước 3G từng tăng rất nhiều vì vậy người sử dụng dịch vụ không thể không nghi ngờ việc khảo sát này là “dọn đường” cho đợt tăng giá tiếp theo”.
Thực tế không thể có kết quả khảo sát như GfK đã công bố bởi người sử dụng hiện nay “kêu ca” về dịch vụ 3G rất nhiều (cả tốc độ lẫn giá cước). Do đó, các cơ quan chức năng, các bộ ngành phải vào cuộc phối hợp kiểm tra, làm rõ chứ không thể để các nhà mạng cứ tăng từng bước như thế.
Việc các nhà mạng chỉ so sánh độc lập giá cước 3G của Việt Nam với các nước là chưa hoàn toàn hợp lý. Cần xem xét tỉ mỉ hơn về chất lượng gói cước hay mức sống giữa các nước.
Ông Long cho rằng chuyện tăng giá, thậm chí một năm tăng vài lần là vẫn có thể xảy ra. Tuy nhiên, phải xem chi phí nhà mạng đã bỏ ra là bao nhiêu, các yếu tố đầu vào, khấu hao hạ tầng thiết bị, việc quản lý tiền lương… “Tại sao không giảm mà lại cứ tăng?”, ông Long nói.
PGS.TS Nguyễn Lê Hùng (ban khoa học, công nghệ và môi trường ĐH Đà Nẵng) phân tích: “Giá cước tăng hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng là mức đầu tư và số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ. Tùy theo số lượng khách hàng nhiều hay ít mà nhà mạng có sự cân nhắc nhằm đảm bảo doanh thu của mình”.
Một năm tăng 2 lần
Tháng 4/2013, giá cước dịch vụ 3G trọn gói dành cho thuê bao di động của MobiFone và Vinaphone tăng thêm 25%, ngang bằng với gói cước của Viettel, tức 50.000 đồng một tháng (thay vì 40.000 đồng như trước đây).
Sau 6 tháng, tháng 10/2013, giá cước 3G của ba nhà mạng lớn là Viettel, MobiFone và Vinaphone tiếp tục được “điều chỉnh” tăng vọt từ 50.000 đồng/tháng lên thành 70.000 đồng một tháng, tương đương tăng 40%.