Theo khảo sát do Báo Bưu Điện Việt Nam và Công ty nghiên cứu thị trường GFK thực hiện, nhìn chung người sử dụng dịch vụ 3G không có sự phàn nàn nào đáng kể về mức cước hiện tại.
Cụ thể, 84% cho rằng chất lượng dịch vụ tương xứng với giá cước, 55% đánh giá mức cước chấp nhận được.
Trong trường hợp giả định tăng giá cước, kết quả khảo sát cho biết, chỉ có 8% không chấp nhận tăng giá. Nếu tăng giá, 82% vẫn duy trì dịch vụ nếu mức tăng dưới 5%. Với mức tăng 5-10%, 59% người dùng sẽ chuyển qua gói cước rẻ hơn.
Trong trường hợp mức tăng vượt trên 10%, có tới 47% người tiêu dùng sẽ đổi qua nhà cung cấp khác.
Có tới 16% người tiêu dùng mong muốn nhà mạng phủ sóng 3G rộng hơn, trong khi chỉ có 15% đề đạt nguyện vọng giảm giá cước, 7% đề nghị có nhiều chương trình khuyến mãi, 6% đề nghị tăng dung lượng...
Kết quả khó tin
Dù đây là cuộc khảo sát nghiên cứu sự hài lòng của người dùng 3G tại Việt Nam, nhưng thực tế số phiếu khảo sát được lấy chỉ ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, với tổng số 576 phiếu.
Liệu số phiếu này có đại diện cho trên 100 triệu thuê bao di động và hàng chục triệu thuê bao 3G? Trả lời câu hỏi này, bà Đinh Ngọc Bảo Trân, đại diện GFK, khẳng định kết quả này được đảm bảo khảo sát khách quan.
Tương tự, khi giải thích về việc số mẫu không đủ 200 cho một địa phương, không đảm bảo tiêu chí khảo sát như các năm trước, bà Trân nói cách làm của GFK theo một chuẩn khác, và vẫn đảm bảo các nguyên tắc về xã hội học.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng khẳng định các kết quả khảo sát chỉ là tương đối. Còn về thông tin khảo sát được đưa ra lần này, ông Thắng đánh giá độ chính xác còn phụ thuộc nhiều yếu tố.
Cụ thể, việc khảo sát ở 3 thành phố thì không thể đại diện cho các vùng như hải đảo, vùng sâu vùng xa. Do đó, chỉ nên coi đây là một kênh thông tin tìm hiểu về thị trường.
Ông Thắng cũng nhấn mạnh, số mẫu càng cao thì sai số sẽ càng thấp. Nếu như số mẫu ít thì sai số có thể lên đến hàng chục phần trăm.
Một điểm bán sim 3G các loại trên đường Nguyễn Phúc Nguyên, quận 3, TP HCM. |
Theo ông Thắng, kết quả khảo sát có thể không chính xác lắm, vì số mẫu còn ít, nó chỉ đại diện cho khách hàng ở một khu vực nào đấy thôi.
Có dấu hiệu sẽ tăng giá
Trả lời báo chí tại cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ hôm 25/4 xung quanh kết quả khảo sát nói trên, cũng như sự phản ứng với việc tăng giá cước 3G, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son khẳng định, Việt Nam là một trong những nước có cước 3G rẻ nhất.
Ông Son nói: “Chúng ta đầu tư rất nhiều hạ tầng nhưng chưa tăng giá cước. Rõ ràng việc tăng giá là cần thiết để đầu tư chất lượng hạ tầng tốt hơn.
Nếu tăng giá do cạnh tranh không lành mạnh, tăng giá không đúng quy định của pháp luật thì bị coi là tăng giá bất hợp lý. Còn nếu tăng giá theo đúng quy định của pháp luật, và tăng giá để góp phần đầu tư chất lượng tốt hơn là cần thiết, chúng ta nên ủng hộ”.
Trên thực tế năm 2013, các nhà mạng đã hai lần điều chỉnh giá cước 3G, trong đó lần điều chỉnh tổng thể nhất diễn ra vào tháng 10/2013, bị dư luận đặt nghi vấn là cả ba nhà mạng “bắt tay” nhau để đồng loạt tăng cước.
Lý do chính của các lần tăng cước trước đây vẫn là giá do mức cước 3G ở VN rất thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. Các nhà mạng chiếm thị phần khống chế hiện bán dưới giá thành các gói cước 3G.
Trong đợt điều chỉnh giá cước 3G vào tháng 4/2013, hai nhà mạng Vinaphone và MobiFone nâng gói cước Internet không giới hạn từ 40.000 đồng lên 50.000 đồng mỗi tháng, ngang bằng với giá cước của Viettel.
Đợt điều chỉnh này được cho là nhằm giảm thất thu, do các ứng dụng Over the top (OTT) gây ra.
Dù đến nay chưa có thông tin chính thức về việc các nhà mạng đề xuất tăng giá cước 3G. Nhưng kết quả cuộc khảo sát công bố vừa qua cho thấy, có dấu hiệu của việc dọn đường cho tăng giá cước.
Đáng nói là cuộc khảo sát này do cơ quan truyền thông của Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp thực hiện, dưới sự tài trợ của chính ba nhà mạng Vinaphone, MobiFone và Viettel.
Dù ông Nguyễn Bá, Phó tổng biên tập Báo Bưu điện Việt Nam, khẳng định việc tham gia tài trợ của các nhà mạng hoàn toàn độc lập, khách quan đối với khảo sát. Nhưng người tiêu dùng không thể không nghi ngờ về tính khách quan của kết quả.