Ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - phát biểu tại hội nghị. Ảnh: V.T. |
Những kết quả đạt được, những khó khăn hạn chế cần khắc phục của ngành xuất bản năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2024 đã được phân tích tại Hội nghị giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản năm 2023. Hội nghị diễn ra sáng 18/1 tại Hà Nội, với sự tham gia của lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam, chủ quản nhà xuất bản và lãnh đạo các nhà xuất bản.
Bức tranh xuất bản qua các con số
Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - nêu bức tranh toàn cảnh ngành Xuất bản qua những con số.
Năm 2023 ngành Xuất bản đối diện nhiều khó khăn. Sau một năm phát triển mạnh (năm 2022), đến năm 2023, trong bức tranh kinh tế chung, sức mua giảm sâu dẫn tới khó khăn cho toàn ngành sách. Thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành cho thấy trong năm qua, toàn ngành Xuất bản làm ra 33.000 xuất bản phẩm với 450 triệu bản (giảm 11% về xuất bản phẩm và giảm 23% về bản so với cùng kỳ năm 2022).
Bên cạnh đó, toàn ngành Xuất bản đã nỗ lực, đạt được những kết quả ấn tượng. Doanh thu các nhà xuất bản ước đạt 3.700 tỷ đồng (tăng 15,6%). Điểm sáng của ngành Xuất bản năm qua là sự phát triển của sách điện tử. Số đầu sách điện tử xuất bản trong năm đạt 4.600 đầu (tăng 31,4%), đưa tỷ lệ xuất bản phẩm điện tử/tổng số xuất bản phẩm đạt 15,3%, vượt chỉ tiêu 12%.
Sách nói tiếp tục là khu vực phát triển nóng. Quy mô doanh thu thị trường sách nói đạt 80 tỷ đồng; số lượt nghe sách nói, sách điện tử trong năm đạt 40 triệu lượt (tăng 25% so với năm 2022).
Nằm trong xu thế thời đại, các nhà xuất bản tích cực chuyển đổi số. Đến nay, có 24 nhà xuất bản đăng ký tham gia xuất bản điện tử, tăng 5 đơn vị so với năm 2022. Như vậy, số đơn vị được xác nhận xuất bản, phát hành sách điện tử trên tổng số nhà xuất bản tăng từ 33,6% lên 42,1%. Ngành Xuất bản cũng phát triển nền tảng xuất bản và phát hành điện tử dùng chung, với sự tham gia của 23 đơn vị.
Ngành Xuất bản thí điểm ứng dụng AI vào hoạt động xuất bản như phối hợp với Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông và Công ty WAKA triển khai ChatGPT hỗ trợ cho công tác biên tập tại Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật; Xây dựng cổng thông tin kết nối giữa các nhà xuất bản và các cơ quan báo chí.
Hội nghị giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản năm 2023. Ảnh: V.T. |
“Chuyển đổi số phải nảy số”
Ngành Xuất bản đang bước vào một giai đoạn phát triển mới để bắt nhịp theo sự phát triển chung của đất nước cũng như của khoa học công nghệ trên toàn cầu. Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nói trong xã hội bão hòa thông tin hiện nay, yêu cầu cấp thiết là cần phải biến thông tin thành tri thức, mà sách luôn là cái nôi của tri thức. Trong xu thế mới, ngành Xuất bản cần tìm ra ưu thế của mình.
Sách hiện nay tiếp cận với công chúng qua nhiều hình thức như sách điện tử, sách nói, videobook... Các loại hình sách này được trưng bày trên các nền tảng, tiếp cận bạn đọc theo cơ chế dịch vụ, trả tiền. Cùng một cuốn sách, người đọc cùng sử dụng, nhưng có những trải nghiệm khác nhau, tương tác khác nhau.
Các loại hình sách mới xuất hiện ngày một nhiều hơn trên thị trường. Đó là minh chứng sinh động và rõ rệt nhất cho chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản. Do đó, con đường chuyển đổi của các đơn vị xuất bản cần tập trung theo hướng: đổi mới và phát triển theo mô hình cơ quan xuất bản - công nghệ; sản xuất các sản phẩm xuất bản đặc sắc và phân phối nội dung đa nền tảng, đa phương tiện với phương châm bám sát nhu cầu và sở thích của độc giả - đặc biệt là thế hệ trẻ.
Về ứng dụng công nghệ số, thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng cần sử dụng công nghệ, trợ lý ảo và trí tuệ nhân tạo (AI) nhiều hơn trong xuất bản. Sử dụng AI, dữ liệu nhập vào có kiểm soát để rút ngắn khoảng cách, tiết kiệm chi phí trong công tác tác xuất bản.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho rằng các cơ quan chủ quản cần tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa, các nhà xuất bản cần chủ động, sáng tạo hơn, bởi “Chuyển đổi số phải nảy số, mang lại doanh thu cho ngành Xuất bản”.
Nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi số, PGS.TS Phạm Minh Tuấn - Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - đề nghị các cơ quan chủ quản xuất bản ủng hộ, tạo điều kiện để các nhà xuất bản tham gia nền tảng xuất bản dùng chung. Ông dẫn chứng một nhà xuất bản Trung Quốc có doanh thu sách điện tử lên tới 2 triệu USD, nhưng cũng không tạo nền tảng riêng mà sử dụng nền tảng xuất bản dùng chung.
Bên cạnh đó, ngành Xuất bản cũng cần tận dụng các kênh truyền thông số để quảng bá sách. Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam nói nền tảng công nghệ của Tạp chí Tri thức - Znews khá tốt, nên kết hợp nền tảng xuất bản dùng chung của ngành Xuất bản với nền tảng công nghệ của Tri thức - Znews để công tác quảng bá sách được hiệu quả hơn.
Ông Tống Văn Thanh - Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - nhận định: "Chuyển đổi số là cơ hội đầy hứa hẹn để lĩnh vực xuất bản đổi mới, sáng tạo, hoạt động hiệu quả". Trong năm qua, cơ quan chủ quản, nhà xuất bản đã phối hợp tích cực các chương trình chuyển đổi số, hỗ trợ xuất bản điện tử. Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ thí điểm ứng dụng AI vào hoạt động xuất bản. Ông đề nghị các cơ quan chủ quản tạo điều kiện để nhà xuất bản trực thuộc đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm nói các cơ quan chủ quản cần quan tâm, đầu tư cho nhà xuất bản trong việc thúc đẩy phát triển văn hóa đọc và thực hiện chuyển đổi số. Điều đó sẽ đóng góp vào việc đưa ngành Xuất bản phát triển thành ngành kinh tế, công nghệ hiện đại. Trước hết là đầu tư hạ tầng, nhân lực kỹ thuật để ứng dụng công nghệ thông tin, đưa xuất bản điện tử thành mũi nhọn phát triển.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.