Ngày 23/7, Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) gửi số 2765/BTTTT-PTTH&TTĐT tới các bộ ngành và Ủy ban Nhân dân các tỉnh về việc tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về dịch Covid-19 trên mạng xã hội.
Theo nhận định của Bộ TT&TT, tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch có dấu hiệu gia tăng. Các loại tin giả tập trung vào kích động vùng miền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tung tin sai về hiệu quả của vaccine Covid-19, xuyên tạc chính sách phân bổ, cung cấp vaccine...
Trong đó, nhiều thông tin lấy nguồn từ video của những người đang được cách ly hoặc trong khu vực bị giãn cách, phong tỏa.
Tin giả dẫn video một đám tang tại quận Tân Bình, TP.HCM, cho rằng bà cụ mất vì không có Covid-19, không có người thân đưa tiễn. |
Bộ TT&TT nhận định việc xuất hiện thông tin xấu độc, video "tự phát" tràn lan trên mạng giảm niềm tin của người dân vào công tác phòng, chống dịch bệnh, và gây hoang mang, bức xúc cho dư luận.
Do đó, Bộ TT&TT đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Đồng thời, các cơ quan cần cử người phát ngôn, chủ động cung cấp thông tin, trong mọi tình huống bảo đàm thông tin được cung cấp nhanh nhất, không bị động, bất ngờ.
Trong những trường hợp phát sinh việc đột xuất, sự cố bất thường thì trong vòng 2 giờ các cơ quan nên cung cấp thông tin ban đầu cho báo chí, trong đó nêu rõ quan điểm chỉ đạo, giải pháp xử lý bước đầu.
Nhiều tài khoản tung tin hình ảnh thi thể bệnh nhân Covid-19 tại TP.HCM. |
Bộ TT&TT cũng đề nghị các cơ quan tăng cường rà quét, phát hiện tin giả.; khi phát hiện thông tin sai sự thật cần kịp thời xác minh đối tượng phát tán tin giả, thẩm định nguồn tin và công bố, cảnh báo tin giả.
Các sở TT&TT được giao xử lý nghiêm các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội đăng tải, phát tán tin giả, gây hoang mang, hiểu lầm về tình hình dịch bệnh.
Gần đây, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (thuộc Bộ TT&TT) liên tục thông báo về các tin giả phát tán trên mạng xã hội. Ngày 18/7, Trung tâm cho biết thông tin, hình ảnh nhiều thi thể được bọc nylon trên một căn phòng, được lan truyền là các bệnh nhân qua đời vì Covid-19 ở TP.HCM là giả mạo. Hình ảnh này có nguồn gốc từ nước ngoài.
Ngày 21/7, UBND phường 12 (quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết video đám tang không người đưa tiễn do mất vì Covid-19 là tin giả. Theo chủ tịch UBND phường, 2 con của cụ bà trong clip được xác nhận dương tính khi đi xét nghiệm ở bệnh viện ngày 17/7. Cụ bà mất tối đó, và tới ngày 18/7 thì hẻm bị phong tỏa.
"Do cụ bà mất trùng hợp với thời điểm hai con được xác nhận nhiễm Covid-19 nên xuất hiện một số tin đồn rằng cụ mất vì nhiễm virus", chủ tịch UBND phường cho biết.