Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tăng cường quản trị rủi ro tín dụng để cải thiện môi trường kinh doanh

Ngày 11/01, Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp với các đơn vị tổ chức "Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2018".

Chương trình có sự tham gia đồng hành của Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PVGas), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Bia Sài Gòn), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam, Văn phòng đại diện Dragon Capital Management (HK) Ltd. tại TP.HCM, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower), Công ty CP Supe phốt phát và hoá chất Lâm Thao, Công ty TNHH MTV My Health, Công ty TNHH GE Việt Nam.

Nội dung diễn đàn xoay quanh 4 chuyên đề, là hoạt động thiết thực nhằm thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Bộ Chính trị và các hội nghị trung ương, quyết định của Thủ tướng…

Chuyên đề 3 với chủ đề: "Cải thiện môi trường kinh doanh thông qua cải cách quản trị rủi ro tín dụng trong thương mại và đầu tư" diễn ra vào buổi chiều có sự tham gia của đồng chí Ngô Đông Hải - Uỷ viên dự khuyết BCH TW, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Nguyễn Kim Anh - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cùng với sự tham gia của các đại biểu và diễn giả.

Dien dan Kinh te Viet Nam nam 2018 anh 1
Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2018.

Hội thảo diễn ra trong không khí sôi nổi về những vấn đề được quan tâm: cải thiện môi trường đầu tư thông qua nâng cao chất lượng thông tin tài chính tại các doanh nghiệp ở Việt Nam; thực trạng quản lý rủi ro tín dụng doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay và sự cần thiết xây dựng một hệ thống hạ tầng chia sẻ thông tin dữ liệu nội bộ nhằm chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình kỹ thuật số.

Hội thảo cùng bàn về các giải pháp hoàn thiện hơn trong công tác ứng dụng cơ sở dữ liệu, dữ liệu lớn và áp dụng các công nghệ xử lý dữ liệu nhằm cải thiện công tác quản trị rủi ro tín dụng, góp phần vào sự phát triển lành mạnh và ổn định của hệ thống ngân hàng, cũng như góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Kim Anh - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho hay: “Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chúng ta vẫn còn đang đối mặt với nhiều thách thức lớn cần vượt qua. Trong đó, sự hoàn thiện cũng như chất lượng của hệ thống thông tin - dữ liệu đang được coi như một “điểm trừ” với môi trường kinh doanh Việt Nam”.

Theo báo cáo khảo sát mới nhất của Ngân hàng Thế giới, năm 2017 Việt Nam xếp thứ 68 trong tổng số 190 quốc gia và vùng lãnh thổ về “sự thuận tiện trong kinh doanh”. Mặc dù có sự cải thiện đáng kể từ vị trí 80 vào năm 2016 lên 68 nhưng nhiều yếu tố về môi trường kinh doanh vẫn cần phải cải thiện trong đó có vấn đề đơn giản hóa hơn nữa thủ tục thành lập doanh nghiệp, giấy phép xây dựng, tiếp cận tín dụng, và sự thuận tiện của thương mại xuyên biên giới…

Chia sẻ về rủi ro tín dụng, ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Stoxplus cho rằng vấn đề này là tâm điểm của hoạt động ngân hàng nhưng đang dần trở nên quan trọng hơn trong hoạt động đầu tư và thương mại. Theo ông Thuân, độ tin cậy của cơ sở dữ liệu đầu vào ở Việt Nam vẫn còn thấp do cơ sở hạ tầng nguồn dữ liệu quốc gia còn phân tán, môi trường lập báo cáo tài chính chưa hoàn thiện. Điều này tạo ra một thách thức lớn trong xử lý dữ liệu khi áp dụng vào bất cứ mô hình quản lý rủi ro nào tại Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Anh Tuấn - Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển, CIC cho biết, đến nay thông tin tín dụng CIC là kho dữ liệu thông tín dụng với quy mô lớn, được xây dựng trên nền tảng công nghệ hiện đại. Với sự tham gia kết nối của tất cả TCTD hoạt động tại Việt Nam và các tổ chức ngoài hệ thống: 122 tổ chức tín dụng; 1.108 quỹ tín dụng nhân dân; 30 tổ chức tự nguyện và 3 tổ chức tài chính vi mô chính thức.

Hiện CIC có hơn 34 triệu hồ sơ khách hàng vay, trong đó 33,5 triệu hồ sơ pháp nhân và 787.000 hồ sơ thể nhân. Mục tiêu của CIC trong thời gian tới là tiếp tục hoàn thiện thông tin tín dụng quốc gia mở rộng hơn nữa. Cũng theo ông Tuấn, phương pháp xếp hạng tín dụng của CIC theo tiêu chuẩn quốc tế, có thể sử dụng làm chuẩn tham chiếu đối với kết quả xếp hạng tín dụng của các TCTD nhằm phòng ngừa rủi ro trong quá trình cấp tín dụng.

Tại hội thảo, vấn đề giải pháp tăng cường quán lý rủi ro tín dụng cũng được nhiều diễn giả và đại biểu quan tâm.

Trước câu hỏi về biện pháp đo lường rủi ro tín dụng thương mại, ông Thuân cho rằng các nhà đầu tư cần xác minh và phân tích kỹ tình hình tài chính của đối tác. Bởi tình trạng mất khả năng thanh toán của các doanh nghiệp Việt Nam nghiêm trọng. Điều này thể hiện bởi số lượng lớn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể. Tuy nhiên, rất ít doanh nghiệp tại Việt Nam tuyên bố phá sản mặc dù tình trạng này xảy ra khá nhiều. Trong bối cảnh đó, Stoxplus sử dụng hai mô hình thống kê là M - score và Z - score để dự đoán xác suất của một công ty sẽ phá sản và gian lận báo cáo tài chính cho các công ty Việt Nam.

Ngoài ra, để hỗ trợ nhà đầu tư trong hoạt động quản trị rủi ro, CIC cũng lưu trữ các báo cáo tín dụng truyền thống, đánh giá doanh nghiệp qua báo cáo xếp hạng tín dụng, chấm điểm tín dụng. CIC sẽ hỗ trợ marketing, tìm kiếm khách hàng vay phục vụ việc quản lý và giám sát danh mục cho nhà đầu tư.


Sơn Trà

Bạn có thể quan tâm