Trẻ em Việt Nam vẫn đang đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng, tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi và tình trạng thừa cân, béo phì vẫn còn phổ biến. Tỷ lệ trẻ thừa cân tăng nhanh, trong khi trẻ vẫn còn thiếu các vi chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ.
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, trẻ vẫn chưa được trang bị đủ kiến thức dinh dưỡng học đường cần thiết để xây dựng một thói quen ăn uống khoa học và hợp lý. Vì vậy, hầu hết đều ăn uống theo sở thích, tập trung vào món chiên, nướng hoặc các loại thịt như thịt heo, bò, gà… Các em ăn ít, thậm chí không ăn các loại rau củ.
Chăm sóc và giáo dục dinh dưỡng học đường là nền tảng để trẻ phát triển toàn diện. |
Nhiều trường tiểu học gần đây bắt đầu chú trọng hơn đến công tác giáo dục kiến thức dinh dưỡng cho học sinh. Một trong những công cụ đang được nhiều trường tiểu học bán trú sử dụng là áp phích “Ba phút thay đổi nhận thức”. Đây là một trong những nội dung trọng tâm thuộc dự án "Bữa ăn học đường" do Bộ Giáo dục & Đào tạo, Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) và Công ty Ajinomoto Việt Nam triển khai từ năm 2012.
Áp phích cung cấp thông tin dinh dưỡng như nhóm vitamin, khoáng chất và lợi ích của nhiều loại thực phẩm đối với sức khỏe. Những thông tin này được minh họa sinh động bằng hình ảnh, giúp các em dễ dàng tiếp thu và ghi nhớ.
Trước mỗi giờ ăn, giáo viên sẽ sử dụng áp phích để giới thiệu thực đơn bữa trưa, các loại thực phẩm có trong mỗi món ăn và giá trị dinh dưỡng của chúng. Nhà trường có thể in và treo các áp phích khổ lớn tại các khu vực đông học sinh như căn tin, nhà ăn, hàng lang hoặc sử dụng tại lớp học. Để các em ghi nhớ lâu hơn, giáo viên chủ nhiệm có thể tổ chức nhiều hoạt động tương tác như trò chơi đố vui, hỏi đáp…
Việc tìm hiểu kiến thức dinh dưỡng trước bữa ăn giúp trẻ ăn thực phẩm đa dạng hơn. |
Nếu hiểu rõ lợi ích của nhiều loại thực phẩm đối với sức khỏe, các em sẽ dần thay đổi thói quen ăn uống. Trước đây, các em chỉ ăn những món yêu thích như thịt gà, thịt bò hoặc các món chiên, nướng, thì giờ đã ăn đa dạng thực phẩm như cá, rau xanh, các loại củ…
Cô Nguyễn Thị Nga - giáo viên trường Tiểu học Đông Hòa B (Bình Dương) - cho biết: “Tôi nhận thấy hầu hết học sinh trong lớp đã hiểu rõ hơn vai trò của mỗi loại thực phẩm với sức khỏe. Từ đó, các em đã ăn cả những thực phẩm mà trước đây không thích, như rau củ, cá, nấm... Đồng thời, lượng thức ăn thừa cũng giảm đi nhiều. Tôi cảm thấy rất phấn khởi khi các em ăn ngon miệng và hết suất ăn của mình”.
Dự án "Bữa ăn học đường" cũng triển khai đến các trường phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng. Phần mềm cung cấp miễn phí một ngân hàng thực đơn phong phú, với 120 bộ thực đơn và 360 món ăn không lặp lại cho bữa trưa bán trú. Các thực đơn trong phần mềm đảm bảo cân bằng dinh dưỡng theo nhóm tuổi, cũng như phối hợp nhiều loại thực phẩm đa dạng.
Áp phích minh họa trực quan và sinh động các thông tin dinh dưỡng bằng hình ảnh. |
Bên cạnh phần mềm và áp phích, dự án đã hỗ trợ xây dựng hai mô hình bếp ăn bán trú theo tiêu chuẩn Nhật Bản tại Trường tiểu học Trưng Trắc (TP.HCM) và Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ (Lạng Sơn). Trong năm 2019, dự án tiếp tục nhận viện trợ từ Chính phủ Nhật Bản để xây dựng thêm hai mô hình bếp ăn bán trú tại TP.HCM và Đà Nẵng.
Đến tháng 1 năm nay, hơn 3.645 trường tiểu học bán trú tại 62 tỉnh thành toàn quốc đã áp dụng phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng trong công tác chuẩn bị thực đơn, và áp phích “Ba phút thay đổi nhận thức” trong giáo dục kiến thức dinh dưỡng cho học sinh.
Những bữa ăn cân bằng dinh dưỡng, song hành với nhận thức đầy đủ và tích cực về giá trị dinh dưỡng của thực phẩm, sẽ là nền tảng vững chắc hình thành thói quen ăn uống khoa học cho trẻ. Các bậc phụ huynh cũng có thể tải áp phích và cùng con tìm hiểu về dinh dưỡng tại đây.
Bình luận