Dữ liệu vệ tinh cho thấy một khối băng khoảng 5.000 km2 sắp tách rời khỏi thềm băng Tây Nam Cực Larsen C.
"Vết nứt ở Larsen C có thể sẽ tạo nên một trong những tảng băng trôi lớn nhất từng được ghi nhận", các nhà khoa học đang theo dõi vết nứt thuộc Đại học Swansea, Vương quốc Anh, thông báo.
Vết nứt ở thềm băng Larsen C ngày 10/11/2016. Ảnh: NASA. |
Theo AFP, vết nứt đang đe dọa tạo nên một tảng băng hình ngón tay dày khoảng 350 m. Khe hở đã mở rộng 17 km trong vòng 6 ngày khiến cho dải băng kết nối với tảng băng chính chỉ còn dài 13 km.
"Thời điểm tách rời có lẽ đã rất gần. Hầu như không gì có thể ngăn tảng băng phá vỡ hoàn toàn", nhóm nghiên cứu nhận định.
Vết nứt ở thềm băng Larsen C của Nam Cực ngày càng lan rộng theo thời gian. Đồ họa: Swansea University. |
Larsen C là thềm băng lớn nhất ở cực bắc của Nam Cực. Tảng băng sắp tách rời sẽ làm mất khoảng 1/10 tổng diện tích của nó và khiến kích cỡ của Larsen C trở nên nhỏ nhất trong lịch sử.
Bản thân khối băng bị tách rời sẽ không làm tăng mực nước biển. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết phần còn lại của thềm băng Larsen C sẽ trở nên mất ổn định và dễ sụp đổ, tạo ra một lượng nước lớn.
Hai thềm băng nhỏ hơn ở phía đông Bán đảo Nam Cực đã sụp đổ. Đầu tiên là thềm băng Larsen A bị mất vào năm 1995. 7 năm sau, thềm Larsen B rộng 3.250 km2 cũng bị tách rời.
Thềm băng bị tách rời là một hiện tượng tự nhiên, tuy nhiên sự nóng lên toàn cầu được cho là đã đẩy nhanh quá trình này.