Trong ngày nhậm chức, các ứng viên giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm trước sẽ tuyên thệ nhậm chức tổng thống và phó tổng thống Mỹ. Lễ nhậm chức được tổ chức tại Tòa Quốc hội Mỹ. Tiếp đó thường là một cuộc diễu hành dọc theo đại lộ Pennsylvania.
Cánh Tây của tòa quốc hội Mỹ trong lễ nhậm chức lần thứ 57, ngày 21/1/2013. Ảnh: Reuters. |
Tân tổng thống sẽ theo dõi cuộc diễu hành từ điểm quan sát dành riêng cho tổng thống ở phía trước Nhà Trắng. Các tuyến đường của cuộc diễu hành có hàng nghìn người đứng theo dõi. Nhiều người Mỹ cũng theo dõi buổi lễ qua truyền hình hoặc nghe radio.
Ngày nhậm chức không phải là ngày nghỉ lễ nên các hoạt động học tập và làm việc vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, đây lại là ngày nghỉ lễ với một số nhân viên liên bang làm việc tại hạt Columbia hoặc các khu vực lân cận nhằm giảm tắc nghẽn giao thông đường bộ cũng như hệ thống giao thông công cộng của khu vực.
Ngày nhậm chức có thể gây gián đoạn đáng kể đến đời sống người dân Washington DC và khu vực xung quanh, không chỉ do các hoạt động diễn ra mà còn do công tác đảm bảo an ninh cả trước và sau ngày nhậm chức.
Tổng thống Obama trong làm việc ngày đầu tiên tại phòng Bầu dục, tháng 1/2009. Ảnh: The White House. |
Thông thường, phó tổng thống sẽ tuyên thệ trước, sau đó tổng thống sẽ tuyên thệ nhậm chức vào đúng 12h trưa. Sau khi cả 2 tuyên thệ, đội quân nhạc sẽ cử bài “Hail to the Chief”, bài hát chính thức của tổng thống, và “Hail, Columbia” dành cho phó tổng thống. Tiếp đến là 21 phát đại bác chào mừng từ quân đội quân khu Washington.
Sau lễ nhậm chức, tổng thống và phó tổng thống là khách mời danh dự trong bữa tiệc trưa của Quốc hội Mỹ. Tiếp đó, họ sẽ diễu hành trên đại lộ Pennsylvania và đi bộ trên một đoạn đường từ điện Capitol tới Nhà Trắng.
Nếu ngày nhậm chức rơi vào chủ nhật, tổng thống sẽ có lễ tuyên thệ riêng tại Nhà Trắng vào ngày hôm đó và lễ tuyên thệ và chào mừng trước đông đảo công chúng vào ngày hôm sau. Năm 2013, ngày nhậm chức truyền thống trong nhiệm kì 2 của Tổng thống Barack Obama rơi vào đúng ngày chủ nhật. Bởi vậy, ông đã có 2 buổi lễ nhậm chức, một buổi lễ tượng trưng tại Nhà Trắng vào ngày 20/1 và một buổi lễ trước công chúng vào ngày 21/1.
Theo lịch trình, ngày Nhậm chức lần thứ 58 của Mỹ là vào thứ 6, ngày 20/1/2017 với lễ tuyên thệ nhậm chức của tổng thống thứ 45 của Mỹ, người chiến thắng trong cuộc bầu cử năm nay, vào đúng 12h trưa.
Lời tuyên thệ 35 từ
Lễ nhậm chức của Ronald Reagan, tổng thống thứ 40 của Mỹ, được tổ chức vào ngày 20/1/1981. Đó là lần đầu tiên lễ nhậm chức được chuyển từ cánh Đông sang cánh Tây của điện Capitol.
Quyết định di dời địa điểm nhậm chức của quốc hội Mỹ không những giúp tiết kiệm chi phí mà còn cho phép nhiều người theo dõi buổi lễ hơn từ khu National Mall đối diện. Ngoài ra, việc Tổng thống Reagan tuyên thệ ở mặt phía tây cũng tượng trưng cho sự hướng về quê nhà California của ông.
Một nhân tố không thay đổi trong buổi lễ nhậm chức là lời tuyên thệ. Điều 2, mục 1 của Hiến pháp Mỹ yêu cầu tổng thống trước khi nhận trọng trách của mình phải tuyên thệ nhậm chức.
Việc hoàn thành 35 từ trong lời tuyên thệ sẽ kết thúc một nhiệm kỳ tổng thống và bắt đầu một nhiệm kỳ mới: "Tôi trân trọng tuyên thệ (hoặc cam kết) tôi sẽ trung thành điều hành văn phòng tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và sẽ hết sức giữ gìn, che chở và bảo vệ Hiến pháp Mỹ".
Hầu hết các tổng thống đều đặt tay lên kinh thánh để tuyên thệ. Tổng thống Obama đã sử dụng 2 quyển kinh thánh cho 2 buổi lễ nhậm chức trong năm 2013, một quyển kinh thánh của Martin Luther King Jr. và một quyển của Abraham Lincoln.
|