Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tần Thủy Hoàng ám ảnh bởi cái chết

Ngay khi còn trẻ, Tần Thủy Hoàng đã bị ám ảnh bởi cái chết và ra lệnh xây một lăng mộ lớn chứa các bức tượng bằng đất nung như người thật để bảo vệ ông ở thế giới bên kia.

Tự xưng là hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa, Tần Thủy Hoàng đã tiêu diệt sáu nước chư hầu và thống nhất với đất nước của mình để lập ra một quốc gia duy nhất - Trung Hoa. Nhằm đánh dấu uy quyền của hoàng đế trên khắp bờ cõi, ông đã đưa ra các luật lệ vẫn hiện hành đến ngày nay.

Ban đầu được đặt tên là Doanh Chính, vị hoàng đế tương lai này là con trai của một hoàng tử nước Tần, sinh ra vào thời điểm các nước chư hầu Trung Quốc đang đối đầu, gọi là thời Chiến Quốc (475–221 TCN).

Ông đăng cơ năm 246 TCN khi mới 13 tuổi và ban đầu cai trị với sự phò tá của thừa tướng Lã Bất Vi trước khi hoàn toàn nắm quyền vào chín năm sau. Ông phát động chiến tranh với các nước láng giềng và đánh bại tất cả trong khoảng thời gian 230-221 TCN, sau đó tự xưng là Tần Thủy Hoàng, nghĩa là hoàng đế đầu tiên của nhà Tần.

Hoang de anh 1

Ảnh minh hoạ. Nguồn: BBC.

Thành lập Trung Hoa

Để củng cố quyền lực, Tần Thủy Hoàng và tân thừa tướng Lý Tư đã thiết lập một hệ thống quản lý dân cư toàn quốc, trong đó các vị trí quyền lực được bổ nhiệm theo tài năng thay vì tập ấm. Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, nhưng không có quyền hành lẫn quyền lợi.

Thống nhất và đồng nhất là những nguyên tắc chủ đạo trong chính sách cai trị của Tần Thuỷ Hoàng, thể hiện qua cách ông áp đặt luật pháp trên toàn đế chế và chuẩn hóa hệ đo lường, ngôn ngữ, tiền tệ và thương mại.

Ông cũng đặt ra chế độ cưỡng bách tòng quân đối với người nghèo, xây dựng quân đội hùng mạnh hàng trăm nghìn người, thành lập đội nhân công xây đường sá, kênh đào và cung điện mới, và khởi công xây Vạn Lý Trường Thành.

Ám ảnh và hoang tưởng

Ngay khi còn trẻ, Tần Thủy Hoàng đã bị ám ảnh bởi cái chết và ra lệnh xây một lăng mộ lớn chứa các bức tượng bằng đất nung với kích thước như người thật để bảo vệ ông ở thế giới bên kia. Việc xây dựng kéo dài 38 năm với hàng trăm nghìn nhân công. Để tránh các mưu đồ ám sát và linh hồn xấu xa, ông cũng cho xây những mật đạo giữa các cung điện.

Quyết tâm bảo vệ di sản của mình, Tần Thủy Hoàng đã xóa bỏ lịch sử của các triều đại trước và đốt bỏ tác phẩm của các học giả đi ngược lại quan điểm hoặc mục đích của ông, trong đó có sự bất tử.

Mơ ước về một cuộc sống vĩnh cửu, Tần Thuỷ Hoàng đã phái vô số đoàn người đi tìm các vị thần tiên và những nơi linh thiêng có thể tìm thấy thuốc trường sinh, và chiêu mộ nhiều học giả để bào chế tiên dược. Ông băng hà năm 49 tuổi, tương truyền bị ngộ độc thủy ngân từ mộ trong những “thần dược” này.

Đúc 8.000 chiến binh

Tần vương đã ra lệnh đúc 8.000 chiến binh bằng đất nung có kích thước như người thật cho lăng mộ của mình. Ông tin rằng đội quân này sẽ bảo vệ ông ở thế giới bên kia.

Cột mốc:

Đăng cơ: Kế vị cha mình, Tần Trang Tương Vương, và trở thành vua nước Tần năm 246 TCN.

Tiêu diệt các nước: Lãnh đạo thành công các chiến dịch quân sự chống lại sáu nước chư hầu trong thời gian 230-221 TCN.

Thành lập Trung hoa: Thống nhất bảy nước thành một quốc gia duy nhất, Trung hoa, và tự xưng là hoàng đế năm 221 TCN.

Xây dựng Vạn Lý Trường Thành: Năm 220 TCN, khởi công giai đoạn đầu tiên của Vạn Lý Trường Thành để ngăn chặn các cuộc xâm lược.

Lý Tư

Lý Tư (280-208 TCN), thừa tướng dưới thời Tần Thủy Hoàng, là động lực thúc đẩy quá trình thống nhất Trung Hoa của Tần vương và các chính sách mà ông đã thực hiện.

Lý Tư sinh vào khoảng năm 280 TCN. Ông khuyến khích Tần Thủy Hoàng xâm chiếm các nước chư hầu để thống nhất đất nước. Trong suốt thời gian cai trị của Tần Thủy Hoàng, Lý Tư tin rằng sự đa dạng của các quan điểm chính trị sẽ làm suy yếu tính thống nhất của nhà nước Trung Hoa độc tôn, vì vậy ông đã ra lệnh đối xử hà khắc với những người có tư tưởng hoặc bày tỏ quan điểm đi ngược lại đường lối chính thống.

Sau cái chết của Tần Thủy Hoàng, Lý Tư vẫn là thừa tướng dưới thời hoàng đế kế vị là Tần Nhị Thế. Năm 208 TCN, Lý Tư bị hành hình sau khi mất đi sự ủng hộ chính trị.

DK/Đông A - NXB Dân Trí

SÁCH HAY