Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bên phải) bắt tay với Thủ tướng mới đắc cử Lý Cường (bên trái). Ảnh: Reuters. |
Theo Reuters, ông Lý Cường, cựu Bí thư Thành ủy Thượng Hải, đã chính thức trở thành tân Thủ tướng của Trung Quốc. Đây là vị trí quyền lực thứ 2 trong nền chính trị Trung Quốc, sau Chủ tịch Tập Cận Bình. Trong nhiệm kỳ của mình, ông Lý Cường sẽ chịu trách nhiệm phục hồi nền kinh tế sau 3 năm bị suy yếu vì dịch Covid-19.
Tân Thủ tướng nhậm chức khi căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây gia tăng. Trong đó, đáng chú ý là việc Mỹ hạn chế khả năng tiếp cận các công nghệ then chốt của nhiều doanh nghiệp Trung Quốc.
Nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 3% vào năm ngoái. Năm nay, giới chức Bắc Kinh đã đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5%, đây là mức thấp nhất trong gần 3 thập kỷ.
Ông Christopher Beddor, Phó giám đốc nghiên cứu Trung Quốc tại Gavekal Dragonomics, cho biết nhiệm vụ hàng đầu của Lý Cường trong năm nay là thực hiện được mục tiêu tăng trưởng mà không gây ra lạm phát hoặc vay nợ quá nhiều.
Ông Beddor cho biết những khó khăn tiềm tàng như sự sụt giảm trong xuất khẩu hoặc đà suy yếu của thị trường bất động sản có thể buộc ông Lý Cường phải ưu tiên xử lý.
Sự phục hồi sau đại dịch của Trung Quốc diễn ra không thuận lợi. Lạm phát trong tháng 2 bất ngờ giảm nhẹ. Tuy nhiên, gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc JD.com vẫn cho rằng việc tái xây dựng niềm tin của người tiêu dùng sẽ mất rất nhiều thời gian.
Lĩnh vực kinh doanh toàn cầu cũng cần được chú ý. Lần đầu tiên sau 25 năm, Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc cho biết phần lớn các công ty cho rằng quốc gia này không còn là "ba ưu tiên đầu tư hàng đầu".
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.