Rong mơ tên khoa học là Sargassum, được sử dụng rộng rãi trong công nghệ thực phẩm, dệt in hoa, hồ vải, công nghệ sinh học, y học. Vì vậy, vài năm trở lại đây các thương lái Trung Quốc sang nước ta thu mua rất nhiều, nhất là ở các tỉnh miền Trung và họ thu mua với giá rất cao. Trước tình trạng đó, nhiều hộ dân ở ven biển ở xã Bình Hải cũng như nhiều tỉnh miền Trung đổ xô thi hái rong mơ.
Một ngày mỗi người dân ở đây hái từ 3 đến 6 thúng rong mơ như thế này. |
Lúc đầu rong mơ mọc ở ven bờ trong các ghềnh đá nhưng trước tình trạng khai thác ồ ạt không hợp lí khiến cho số lượng rong mơ ngày càng giảm. Ông Nguyễn Thanh Hải (thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải)- người có 5 năm hái rong mơ cho biết: “Ngày xưa rong mơ mọc ở ven bờ nhiều lắm, bây giờ muốn hái thì phải chèo thúng ra ngoài khơi xa rồi lặn sâu xuống thì may ra mới hái được”. Vào khoảng từ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch là mùa khai thác chính của rong mơ.
Những ngày cao điểm ở Ghềnh Yến (thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải) có đến hàng chục người đi hái rong mơ. Trung bình một ngày gần chục tấn rong mơ bị khai thác, trong khi sự việc này đã xảy ra từ 3 - 4 năm nay. “Lúc trước rong mơ mọc nhiều lắm dày đặc cả khu này, nhưng giờ họ khai thác hết rồi”, ông Trần Quân là một ngư dân ở xã Bình Hải bức xúc. Khi lượng rong mơ nhiều họ chỉ khai thác những cây dài cả sải tay và to, bây giờ khi ngày càng ít đi thì ngay cả những cây rong mơ mới lớn ngắn hơn gang tay cũng bị họ “tàn sát”.
Rong mơ giống như cỗ máy lọc nước khổng lồ, là “ngôi nhà” cư ngụ sinh sản và phát triển của các loài thủy hải sản, là cái kho dự trữ và cung cấp nguồn giống lâu dài cho vùng biển. Khi rong mơ bị tận diệt thì ngôi nhà của các loài thủy hải sản cũng bị mất đi, chúng không còn nơi cụ ngụ và sinh sản. Việc khai thác một cách ồ ạt không hợp lí này đe dọa môi trường và hệ sinh thái biển, không chỉ khiến là nguồn thủy hải sản trên bờ bị cạn kiệt mà còn ảnh hưởng đến nguồn thủy hải sản ngoài biển khơi.
Hai cha con anh Hồ Văn Tâm ở xã Bình Hải là một trong số nhiều ngư dân sống bằng nghề đánh bắt cá ven bờ, nhưng giờ đây chén cơm của họ đứng trước nguy cơ bị đánh mất. Đi đánh lưới từ lúc rạng sáng, sau hơn 4 tiếng đồng hồ nhưng trong giỏ của họ không có gì nhiều ngoài mấy con tôm và 3 con cá. “Kiểu này không biết lấy gì mà ăn, lúc trước kéo lưới ở bờ là cá đầy giỏ rồi bây giờ ra tuốt ngoài khơi mà cũng không thu được gì”, ông Hồ Văn Sửu bố anh Lâm bức xúc.
Một số nước trên thế giới như Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc... không chỉ khuyến khích khai thác rong mơ hợp lý mà còn tiến hành trồng rong mơ ở ven biển. Trước tình trạng khai thác rong mơ một cách ồ ạt, cần có biện pháp ngăn chặn để bảo tồn môi trường và hệ sinh thái biển.