Sáng 13/6, Thường trực HĐND TP.HCM tiến hành giám sát tiến độ và hiệu quả các dự án chống ngập trên địa bàn thành phố. Buổi giám sát diễn ra sau khi các đại biểu HĐND TP đã đi khảo sát và làm việc với một số quận, huyện và sở, ngành liên quan.
Tốn tiền tỷ, đường vẫn ngập
Báo cáo với đoàn giám sát, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị, cho biết số điểm ngập đã giảm nhiều so với năm 2008. Theo thống kê, đến cuối năm 2018, TP.HCM còn 18 tuyến đường ngập do mưa và 5 tuyến đường ngập do triều cường, so với 126 điểm ngập do mưa, 95 điểm ngập do triều trong năm 2008.
Dù số điểm ngập giảm nhưng các đại biểu không hài lòng với việc TP đã chi hàng chục nghìn tỷ đồng để chống ngập nhưng nhiều dự án khi hoàn thành thì đường vẫn còn ngập.
Ông Võ Văn Hoan, tân Phó chủ tịch UBND TP, cho rằng chống ngập phải hài hòa, không được để nhà dân bị ngập khi thực hiện dự án. Ảnh: Quang Huy. |
Ông Nguyễn Văn Đạt, Phó ban Văn hóa - Xã hội, dẫn chứng đường Nguyễn Văn Quá (quận 12) đầu tư khá lớn, làm xong rồi mưa vẫn ngập vì còn phải chờ cải tạo rạch Cây Liêm. Còn ở quận 9, hai dự án cải tạo nâng cấp hệ thống thoát nước đường Đỗ Xuân Hợp có tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng nhưng ngập vẫn hoàn ngập.
Trong khi đó, Phó ban Đô thị Nguyễn Minh Nhựt cho rằng các dự án không được kết nối đồng bộ nên khi hoàn thành đường vẫn ngập gây lãng phí ngân sách. Vị đại biểu này dẫn chứng khi giám sát ở quận Tân Bình thì có tình trạng hệ thống thoát nước giữa bên ngoài và bên trong sân bay có sự chênh lệch nên nước mưa không thoát được.
Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan đánh giá sau gần 3 năm thực hiện chương trình giảm ngập nước, TP không còn ngập như 5-7 năm trước đây. Tuy vậy, vẫn còn một số công trình sau khi hoàn thành thì đường vẫn ngập cục bộ trong một thời gian ngắn rồi mới rút hết. Nghiêm trọng nhất là dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương (quận 6 và quận Bình Tân) sau khi hoàn thành thì đường hết ngập nhưng nước lại tràn vào nhà dân.
“Chống ngập không chỉ thuần túy là cốt nền, nâng đường mà phải dùng nhiều biện pháp tổng hợp. Có thể để ngập đường trong thời gian ngắn nhưng đồng thời không để cho nhà dân bị ngập”, ông Hoan nêu quan điểm.
Dùng vốn ODA nạo vét kênh, kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý nước thải
Trả lời câu hỏi của Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ về việc chương trình giảm ngập có hoàn thành vào cuối nhiệm kỳ không, ông Hoan thừa nhận nhiều chỉ tiêu khó hoàn thành.
Hiện việc chống ngập cho các đường trục chính mới đạt 60%, các tuyến hẻm do quận, huyện quản lý đạt 85%, các tuyến đường ngập do triều đạt 45%, thấp nhất là xây dựng nhà máy xử lý nước thải mới chỉ đạt 21%.
Ông Hoan nhìn nhận tình trạng ngập úng còn xuất phát từ nguyên nhân các quy hoạch như thoát nước, xây dựng, cốt nền đã quá cũ kỹ, lạc hậu và không phù hợp với tình hình hiện tại. Đồng thời, công tác chỉ đạo còn lúng túng, tầm nhìn các đơn vị tham mưu mới chỉ dừng lại ở ứng phó, đối phó những gì đang diễn ra chứ chưa có tầm nhìn chiến lược, xây dựng cơ chế chính sách giải quyết triệt để.
Sau nhiều năm bị ngập, đường Nguyễn Hữu Cảnh dự kiến sẽ được sửa chữa vào tháng 8. Ảnh: Sỹ Đông. |
Một lý do khác cũng được ông Hoan chỉ ra là sự chồng chéo trong phân cấp quản lý chống ngập giữa các sở ngành và địa phương. Để giải quyết bất cập này, TP đã chuyển chức năng quản lý Nhà nước về Sở Xây dựng, chức năng đầu tư, quản lý dự án về Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị.
Trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, ông Hoan cho biết TP sẽ ưu tiên dùng vốn ngân sách cho giải phóng mặt bằng, các dự án cấp bách và cải tạo lại hệ thống thoát nước. Đối với nguồn vốn xã hội hóa, TP ưu tiên mời gọi các nhà đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải, hồ điều tiết, kênh trục.
Nguồn vốn ODA dùng để cải tạo, nạo vét kênh chính, các tuyến cống bao thu gom nước thải cho các lưu vực. Còn quỹ đất, vốn cổ phần hóa thì ưu tiên làm hệ thống thoát nước, đê bao, bờ kè và các trục tiêu thoát nước chính.