Sẽ là không hoàn toàn chính xác để gọi Chuyện xưa xứ Quảng là một cuốn biên khảo hay một công trình nghiên cứu bởi trong tập sách này, người đọc hoàn toàn không thể tìm thấy bất cứ một sự biện giải khoa học nào. Và đây cũng không phải là một tác phẩm văn chương vì việc đi tìm những thủ pháp nghệ thuật hay sự trau chuốt, dụng công trong câu từ, chữ nghĩa cũng là điều bất khả.
Cuốn sách này chỉ đơn thuần là một cuộc du hành trở về quá khứ thông qua những câu chuyện về mảnh đất, con người với nếp sống mang đặc trưng rất riêng được vun bồi qua hơn mấy trăm năm kể từ những thế hệ người Việt đầu tiên vượt Hoành Sơn, mở đất về phương Nam mà Phạm Hữu Đăng Đạt, một người con sinh ra và lớn lên trên đất Quảng Nam đã dày công góp nhặt.
Những câu chuyện đó có thể là kỷ niệm, ký ức mà bản thân tác giả đã từng chứng kiến, từng trải qua, cũng có thể là những câu chuyện đã được những cư dân của vùng đất này truyền tai nhau qua nhiều thế hệ. Chúng mộc mạc, giản đơn nhưng ẩn chứa đằng sau là cả một tiến trình chống chọi với những khắc nghiệt, gian lao để gây dựng nên một miền văn hóa trù phú với những cá tính rất khác biệt.
Cá tính đó được biểu hiện qua nhiều hình thái cụ thể sản sinh ra từ đời sống vật chất như món ăn, nghề truyền thống, nhà cửa,… hay suy nghĩ, niềm tin phát xuất từ thế giới tinh thần để rồi nhờ đó những phong tục, tín ngưỡng có cơ hội được định hình và phát triển.
Về tổng thể, Chuyện xưa xứ Quảng với gần 60 câu chuyện ngắn được tác giả sắp xếp thành 4 phần chính bao gồm: ẩm thực, địa danh – nhân vật, thú chơi – phong tục, làng nghề. Đó là những yếu tố đặc trưng nhất cấu thành nên một vùng văn hóa mà trong quá trình thâm nhập, tìm hiểu, chúng ta chắc chắn không thể nào bỏ qua.
Đối với vùng đất Quảng Nam, nơi sự giao thoa, ảnh hưởng đan xen giữa hai nền văn hóa Việt – Chăm tồn tại một cách đậm nét hơn bất cứ một nơi nào khác trên dải đất miền Trung, các yếu tố kể trên lại càng trở nên quan trọng bởi trồn tại trong chúng là bóng dáng của những sự giao thoa, ảnh hưởng này.
Lấy ví dụ ngay từ cái chuyện “thích ăn mặn” của người Quảng Nam, trong phần Ẩm thực, Nguyễn Hữu Đăng Đạt đã đưa đến cho người đọc những góc cạnh có thể không xa lạ nhưng lại vô cùng thú vị khi chúng được kết nối lại với nhau.
Từ cái chuyện “Việt hóa” phương pháp chế biến mắm của người Chăm cho đến việc ra đời của cả một khoa ẩm thực liên quan đến mắm để thỏa cái thú ăn mặn của cư dân xứ sở này, rồi sau nữa là dẫn đến sự hình thành và phát triển của cả một làng nghề mắm Nam Ô nức tiếng gần xa, những điều này như một quá trình biến chuyển, phát triển liên tục trong cuộc sinh tồn để từ đó chắt lọc thành những đặc trưng văn hóa của xứ sở mình.
Tác phẩm Chuyện xưa xứ Quảng của Phạm Hữu Đăng Đạt. |
Có lẽ sẽ không ngoa khi nói Chuyện xưa xứ Quảng là một cuốn sách dành cho mọi lứa tuổi. Ở đó, qua những câu chuyện, con trẻ có cơ hội tìm tòi, khám phá để hiểu hơn cuộc sống của ông cha mình trong quá khứ, hay quá trình đấu tranh, vượt lên những khắc nghiệt, gian khó của tự nhiên cũng như thăng trầm thế cuộc để đứng vững giữa phong ba. Những người lớn lại tìm thấy cho mình một sự gợi nhắc về những điều đẹp đẽ còn nằm sâu trong ký ức hay đã chìm sâu vào quên lãng.
Tuy nhiên, không chỉ là câu chuyện về văn hóa, phong tục hay địa lý đơn thuần. Ở đôi chỗ trong cuốn sách, không ít người trong số còn tìm lại được những mẩu chuyện, câu hò, câu hát mà dường như trong tuổi thơ đã đôi lần được nghe trong lời của bà, của mẹ hàng đêm hay được nhắc đến trong những buổi trà dư tửu hậu của các bậc cao niên, trưởng bối.
Những ông thầy Tiếp, thầy Thừa, những gánh hát La Bông, Bàu Toa,… đã lùi sâu vào quá vãng. Làng Giảng Hòa cũng không còn làm nón nữa. Những chuyến ghe xuôi ngược dòng Thu Bồn “mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên” cũng không còn nữa. Những tưởng chúng sẽ mãi mãi chẳng còn được nhắc đến, ấy vậy mà, chỉ bằng một tập sách nhỏ của mình, Phạm Hữu Đăng Đạt lại có thể giúp biết bao người gặp lại “cố tri”.
Lối viết của Phạm Hữu Đăng Đạt không quá xuất sắc. Những câu văn, dòng chữ cứ đều đều trôi đi, không kịch tính, không hoa mỹ mà cứ mộc mạc, thô ráp nhưng vẫn có sức hấp dẫn lạ kỳ. Có thể bởi do tự thân câu chuyện đã đủ sức cuốn hút nên người viết chẳng cần dụng công sắp đặt chữ nghĩ, nhưng cũng có thể bởi sự mộc mạc như vậy mới đủ toát lên được cái khí độ của con người ở chốn “chưa mưa đã thấm” này chăng?
Sau chót, có thể tự tin khẳng định rằng Chuyện xưa xứ Quảng là một cuốn sách thành công. Thành công ấy xuất phát từ chỗ cuốn sách đã tạo ra cho chúng ta ít nhiều sự hình dung về mảnh đất, văn hóa và con người Quảng Nam bằng việc gợi mở từng lát cắt của quá khứ hiện diện trong từng câu chuyện gợi nên những mường tượng về một thời quá vãng xa xôi.
Và những câu chuyện có thể xưa nhưng mãi mãi sẽ không bao giờ cũ một khi con người còn trân trọng, gìn giữ chúng và truyền tiếp tới thế hệ mai sau.