Sách tuyển chọn những bài viết trong các tập bản thảo, chuyên khảo, tác phẩm đã xuất bản của ông với nhiều tư liệu, hình ảnh quý. Chuyện xưa xứ Quảng gồm 58 bài viết, sắp xếp theo 4 đề mục chính: Ẩm thực – Địa danh, Nhân vật - Thú chơi, Phong tục – Làng nghề xứ Quảng.
Bạn đọc có thể bắt đầu cuốn sách với bất cứ tiêu đề nào trong mục lục để tìm hiểu về xứ Quảng với những cái tên rất gợi như: Thú ăn ngọt của người Quảng, Huyền thoại núi Chúa, Truyền thuyết làng Chăm, Trò chơi Tết ở Hội Sơn xưa, Hò chèo ghe xứ Quảng, Những người đi bứt chỉ chằm, Muốn em lấy chồng về xứ Khánh Vân… hoặc nhẩn nha đắm chìm vào không gian văn hóa xứ Quảng qua từng bài viết hòa quyện giữa những dữ kiện lịch sử với những sự tích, huyền sử bí ẩn, đầy cuốn hút.
Sách Chuyện xưa xứ Quảng vừa ra mắt bạn đọc. |
Cuốn sách làm sống dậy cả một vùng văn hóa với những địa danh, những con người, những sinh hoạt văn hóa đặc trưng, giàu truyền thống. Đó là những trầm tích văn hóa được vun đắp tự bao đời.
Đọc cuốn sách, độc giả sẽ được “thưởng thức” các đặc sản xứ Quảng: bánh da, bánh tráng, bún sắn trộn, chè khoai, tìm hiểu về thú ăn mặn, ăn ngọt đặc trưng của người Quảng. Được “đến thăm” chợ Thu Bồn, làng nhà cổ Hội An, làng nhạc Tĩnh Yên, làng mắm Nam Ô, làng điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước, làng gốm Thanh Hà.
Người đọc cũng được tìm hiểu về huyền thoại núi Chúa, truyền thuyết về làng Chăm độc nhất ở Quảng Nam hiện nay; đắm chìm giữa những ngôi nhà cổ Hội An trên đất Tiên Phước với vẻ đẹp riêng không trộn lẫn, là “bảo tàng sống, lưu giữ nghệ thuật kiến trúc độc đáo của người Quảng xưa”.
Mỗi bài viết như đưa ta hòa mình vào những hoạt động, hình thức sinh hoạt văn hoá tinh thần ngày Tết, từ hát bội, chơi bài chòi, hát sắc bùa đến các trò chơi xứ Quảng xưa như nấu cơm thi, trò chơi cục bòng, đánh đu, bịt mắt bắt heo đến trò đốt pháo…
Phạm Hữu Đăng Đạt khéo léo dẫn dụ người đọc đến với từng vùng đất xứ Quảng qua những câu ca dao dân ca - kết tinh của văn hóa, trí tuệ dân gian.
Những người yêu mến văn hóa truyền thống hẳn sẽ không thể bỏ qua những câu chuyện thú vị về nguồn gốc gánh hát bội Cổ Mân, về gánh hát La Bông gắn với các tích tuồng cổ Tam quốc, Ngũ hổ bình Liêu, Đào Phi Phụng, gánh hát Bàu Toa với vở Nhứt điện, Nhị điện hay hò chèo ghe - “một loại hình sinh hoạt văn hoá văn nghệ dân gian đặc sắc gắn liền với cuộc sống của người dân vùng sông nước”.
Một phần lớn trong cuốn sách là câu chuyện về những làng nghề truyền thống của xứ Quảng với những huyền tích gắn với sự ra đời, những thăng trầm, thậm chí cả những bí kíp rất riêng khiến làng nghề trở nên độc đáo và nổi tiếng.
Đó là vạn Phường Đông với nghề bủa lưới, bủa câu; làng rau truyền thống Trà Quế với loại rau “tiến vua” nức tiếng; chuyện trai tráng làng “ngậm ngải tìm trầm” Bàng Tân phải dấn thân vào vùng rừng thiêng nước độc; làng Khánh Vân nổi tiếng với nghề đắp nổi long, lân, quy, phụng trang trí đình chùa; những bí kíp đúc đồng truyền thống thú vị từ làng Phước Kiều bên bờ sông Thu yên ả.
Hay nước mắm Nam Ô được làm từ cá cơm than tháng Ba tuyệt hảo với hương vị riêng đặc trưng không nơi nào có đã đi vào ca dao “Nam Ô nước mắm thơm nồng / Đi mô cũng nhớ mùi hương quê nhà"; làng gốm Thanh Hà - làng gốm truyền thống nổi tiếng nhất của Quảng Nam, khoai điệp làng Trà Đoả “thượng hảo hạng, không loại khoai ở địa phương nào có thể sánh bằng”, khi nấu tỏa mùi “thơm đến “nứt” mũi”.
Nhiều nghề đã bị mai một theo thời gian, thậm chí có nghề hiện nay không còn nữa, chỉ ghi trong sử sách như nghề đi bứt chỉ chằm làm nón từ đầu thế kỉ trước.
Các nhà nghiên cứu tham dự buổi tọa đàm về cuốn sách Chuyện xưa xứ Quảng. |
Ngày 25/11 vừa qua, tại Thư viện Tổng hợp TP. Đà Nẵng, NXB Kim Đồng đã phối hợp với Hội Văn nghệ Dân gian Đà Nẵng tổ chức buổi tọa đàm, giới thiệu tác giả - tác phẩm Chuyện xưa xứ Quảng.
Với tinh thần người Quảng nói về chuyện xưa xứ Quảng, nhà văn Trần Trung Sáng nhận định: “Mỗi câu chuyện trong tập sách, tác giả đã cố gắng thể hiện, vẽ lại, để bạn đọc hình dung sống động nhất một phần nhỏ cuộc sống tinh thần, tâm linh… của người Quảng xưa”.
Nhà văn Lê Anh Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Đà Nẵng, thì cho rằng: “Chuyện xưa ở xứ Quảng đã có nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, nhiều nhà văn viết, nhưng đọc Chuyện xưa xứ Quảng ta thấy gần gũi, ấm áp và có hồn vía hơn. Có cảm giác xứ Quảng xưa tạo nên vóc dáng, tâm hồn Phạm Hữu Đăng Đạt. Đọc để hiểu nay, để cố gắng gìn giữ bản sắc, hương vị, hồn cốt của quê hương, để có trách nhiệm với quê hương xứ Quảng."
Cũng tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giám đốc Chi nhánh NXB Kim Đồng tại miền Trung, đã chia sẻ: “Cảm phục nghị lực, kiến thức, tâm huyết và tình cảm mà nhà nghiên cứu Phạm Hữu Đăng Đạt dành cho quê hương xứ Quảng, đồng thời mong muốn giới thiệu những khảo cứu được thể hiện bằng chuyện kể thú vị, giá trị của ông với bạn đọc nhỏ tuổi cả nước, được sự đồng ý, giúp đỡ, hợp tác nhiệt tình của gia đình, đặc biệt là anh Phạm Văn Đạt – con trai của tác giả - Chuyện xưa xứ Quảng đã được gấp rút hoàn thiện và ra mắt bạn đọc.
Nhà xuất bản Kim Đồng hi vọng bạn đọc sẽ có được một chuyến du hành kì thú, hiểu hơn nguồn cội, du khảo quá khứ, khám phá cuộc sống hiện tại, gìn giữ và bảo tồn những giá trị nhân văn."
Bà Thanh Thủy cũng cho biết: “Chuyện xưa xứ Quảng nằm trong bộ sách “Chuyện xưa – Tích cũ”, giới thiệu những tác phẩm, công trình nghiên cứu, khảo luận, ghi chép điền dã… chuyên sâu về một vùng đất, miền quê, thị tứ kinh kỳ như Thăng Long – Hà Nội, Kinh Bắc, Xứ Thanh, Xứ Nghệ, Xứ Quảng, Sài Gòn, Gia Định…
Đây là những tác phẩm được các tác giả tâm huyết thực hiện, giúp bạn đọc có thêm thông tin và hiểu biết kĩ lưỡng hơn về miền đất mà mình quan tâm, cho những ai muốn tìm hiểu nguồn cội, du khảo quá khứ, khám phá cuộc sống hiện tại, gìn giữ và bảo tồn những giá trị nhân văn.”
Nhà nghiên cứu Phạm Hữu Đăng Đạt (1957 – 2015) tên thật là Phạm Hữu Bốn, quê ở thôn Mỹ Nam, xã Đại Tân, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.
Ông tốt nghiệp khoa Sử - Trường Đại học Tổng hợp Huế. Ông từng là bộ đội, sau khi xuất ngũ, ông về công tác và gắn bó đến cuối đời với Thư viện Khoa học tổng hợp TP Đà Nẵng.
Phạm Hữu Đăng Đạt là hội viên Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Văn hóa Dân gian, Hội Nhà văn TP Đà Nẵng... là tác giả của các cuốn sách: Hương vị Quảng Nam, Văn hóa Quảng Nam, Chuyện làng nghề Đất Quảng...
Các tác phẩm của Phạm Hữu Đạt Đăng chuyên tâm và tha thiết với quê hương Xứ Quảng. Ông là một trong số rất ít tác giả tại Đà Nẵng chuyên viết về văn hóa dân gian, đã đạt Giải thưởng văn học - nghệ thuật Đà Nẵng lần thứ nhất (1997-2005) của UBND TP Đà Nẵng, của Hội Văn nghệ Dân gian TP Đà Nẵng năm 2010 và Giải thưởng văn học - nghệ thuật đất Quảng lần II (2009-2013) của UBND tỉnh Quảng Nam.