Ông Ted Osius. Ảnh: Fox News |
Trong cuộc điều trần trước Thượng viện Mỹ hồi tháng 6, ông Osius cam kết sẽ hàn gắn những khác biệt giữa hai nước để thúc đẩy mối quan hệ lịch sử.
Ông Osius được Tổng thống Mỹ Barack Obama đề cử làm đại sứ Việt Nam hồi tháng 5. Đây không phải là một sự lựa chọn tình cờ. Năm 1996, ông là một trong số những nhà ngoại giao Mỹ đầu tiên đến làm việc tại Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc.
“Tôi từng có vinh dự được hỗ trợ đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam Pete Peterson khi ông ấy thiết lập nền tảng của mối quan hệ mới giữa hai quốc gia” - ông Osius cho biết trong cuộc điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ.
Osius cũng từng đại diện Phó tổng thống Mỹ Al Gore trong đội ngũ đã chuẩn bị thỏa thuận thương mại song phương với Việt Nam. Ông tháp tùng Tổng thống Bill Clinton trong chuyến thăm lịch sử đến Việt Nam năm 2.000. Năm 1997, ông hỗ trợ việc thành lập Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM. “Đối với tôi, việc được đề cử làm đại sứ tại Việt Nam là giấc mơ trở thành hiện thực” - ông Osius khẳng định.
"Chúng ta là anh chị em"
Ông Osius là một nhà ngoại giao Mỹ kỳ cựu với 25 năm kinh nghiệm. Ông từng học tại Trường Harvard College và Trường Nghiên cứu quốc tế Johns Hopkins, có bằng thạc sĩ kinh tế quốc tế và chính sách ngoại giao.
Ngoài Việt Nam, ông từng làm việc tại Indonesia, Thái Lan, tòa thánh Vatican, Philippines và Ấn Độ. Khi ở Thái Lan ông viết cuốn sách The US - Japan security alliance (Liên minh an ninh Mỹ - Nhật).
Sau thời gian dài làm việc tại châu Á, ông quay trở lại Washington vào năm 2012. Tại đây, ông Osius trở thành chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS).
Năm 2013, ông đảm nhận vị trí giáo sư tại ĐH Quốc phòng (NDU). Ông Osius thông thạo tiếng Việt, Pháp, Italy và cũng có thể sử dụng tiếng Ả Rập, Hindi, Thái, Nhật và Indo.
Hồi năm 1997, ông Osius từng đạp xe gần 2.000km từ Hà Nội vào TP.HCM. “Tại một nơi từng là khu phi quân sự, tôi đứng trên một cây cầu, nhìn về phía những khu đất trũng giống như ao trên mặt đất. Một người phụ nữ lớn tuổi nói với tôi rằng đó không phải là ao, mà là hố bom. Khi tôi nói rằng tôi đại diện chính phủ và người dân Mỹ, bà ấy nói rằng hôm nay chúng ta là anh chị em” - ông Osius hồi tưởng quá khứ, thời hai nước mới bình thường hóa quan hệ.
Osius nhận định từ khởi đầu đó, quan hệ Mỹ - Việt Nam đã lớn mạnh thành một mối quan hệ đối tác quan trọng, dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và lợi ích chiến lược chung. Ông nhắc lại lời của Ngoại trưởng John Kerry phát biểu năm ngoái ở Hà Nội rằng một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng là đối tác quan trọng của Mỹ để đối phó với rất nhiều thách thức khu vực và quốc tế.
“Lịch sử giữa Mỹ và Việt Nam rất phức tạp, và kể cả ngày nay chúng ta vẫn còn nhiều khác biệt. Nhưng cũng giống như trong các gia đình, giữa anh chị em, mọi khác biệt đều có thể được hàn gắn và chúng ta có thể vượt qua lịch sử. Tôi sẽ nỗ lực hết sức để thúc đẩy mối quan hệ đã gắn kết hai dân tộc chúng ta” - ông Osius cam kết.
Các lĩnh vực hợp tác
Trong cuộc điều trần trước Ủy ban Đối ngoại thượng viện, ông Osius đánh giá mối quan hệ giữa con người với con người là yếu tố trọng tâm trong quan hệ đối tác toàn diện mà Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang từng ký kết năm 2013.
“Trao đổi giáo dục là một ví dụ cụ thể. Đã có 16.000 sinh viên Việt Nam đang học tại Mỹ và nhiều người khác tham gia chương trình đào tạo kinh tế học Fulbright ở TP.HCM” - ông Osius cho biết.
Ông Osius cho rằng thương mại cũng là yếu tố rất quan trọng khác của mối quan hệ Mỹ - Việt. Thương mại song phương đã tăng từ 451 triệu USD năm 1995 lên gần 30 tỉ USD năm 2013.
“Việc thành lập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ giúp tăng cường quan hệ thương mại và chiến lược, đưa Việt Nam vào cộng đồng đóng góp 40% vào GDP của toàn thế giới” - ông Osius tin tưởng.
Tân đại sứ Mỹ cũng cho biết Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở châu Á - Thái Bình Dương.
“Chúng ta phải đảm bảo các tranh chấp lãnh thổ và hàng hải ở biển Đông được giải quyết một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế thay cho sự cưỡng ép và vũ lực. Đáng tiếc là chúng ta mới chứng kiến hàng loạt hành động đơn phương của Trung Quốc nhằm đòi chủ quyền, bao gồm việc đưa giàn khoan tới vùng biển gần Việt Nam” - ông Osius đánh giá. Ông cũng cho biết sẽ trao đổi thẳng thắn với Chính phủ Việt Nam về các vấn đề như nhân quyền.