Phát biểu thảo luận tại hội trường về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 chiều 31/5, đại tá Phạm Huyền Ngọc, Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận đề nghị bổ sung Luật An ninh mạng, để sớm thảo luận sớm thông qua.
Đại biểu Phạm Huyền Ngọc cho rằng tình hình an ninh mạng nước ta đang diễn biến hết sức phức tạp và là vấn đề cấp bách cần ưu tiên, trong việc xây dựng các văn bản có liên quan.
"Các thế lực thù địch, phản động đang triệt để sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, chống Đảng, Nhà nước. Nhiều đối tượng tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ, kích động biểu tình, vu khống lãnh đạo, tạo dư luận xấu, gây hoang mang trong quần chúng", Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận nói.
Ngoài ra, theo đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận, hoạt động tấn công mạng, khủng bố mạng nhằm vào hệ thống thông tin ngày càng gia tăng về số lượng và mức độ nguy hiểm.
Đại biểu Phạm Huyền Ngọc (đoàn Ninh Thuận). Ảnh: Quochoi.vn |
Ông Ngọc nói: "Hàng năm hệ thống thông tin nước ta phải chịu hàng nghìn cuộc tấn công mạng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, làm thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Đồng thời, các đối tượng thực hiện hành vi xâm nhập, thu thập thông tin, tài liệu trái pháp luật".
Tuy nhiên, đại tá Phạm Huyền Ngọc khẳng định công tác phòng ngừa đấu tranh với các hành vi xâm phạm an ninh mạng còn rất nhiều khó khăn, do chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định về công tác đảm bảo an ninh mạng.
Đại biểu Ngọc cũng cho rằng hiện có một số văn bản quy định về an toàn thông tin mạng hay Luật An toàn thông tin mạng và các văn bản hướng dẫn thi hành dẫn đến những vướng mắc trong quá trình triển khai các phương án đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng cũng như các hoạt động giám sát ứng cứu, khắc phục sự cố mạng.
Ông cũng viện dẫn loạt văn bản của Đảng, nhà nước và đề nghị sớm ban hành Luật An ninh mạng. "Bộ công an đang phối hợp với các bộ, ngành cơ bản bản hoàn thành hồ sơ dự án Luật An ninh mạng theo quy định, bảo đảm tiến độ cho Quốc hội bàn bạc, cho ý kiến vào kỳ họp thứ 4 và thông qua vào kỳ họp thứ 5", đại tá Ngọc cho hay.
Kết luận nội dung làm việc này, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh có một số đại biểu đề nghị đẩy dự án Luật An ninh mạng sớm hơn, để đến kỳ họp thứ 6 thì hơi muộn.
"Vấn đề ở đây là chúng ta chuẩn bị dự án luật như thế nào rồi, chất lượng ra sao. Sự cần thiết ban hành luật này thì thấy quá rõ rồi. Nếu Chính phủ và đơn vị soạn thảo, thẩm tra trình thì Quốc hội sẽ bàn bạc, cho vào chương trình làm việc thôi", Phó chủ tịch Quốc hội kết luận.